Đó là trường hợp của bé Nguyễn Thị Huyền Trang 7 tuổi con anh Nguyễn Nam Giang và chị Đỗ Thị Uyển ở Hưng Yên. Hiện nay bé Trang đang được điều trị tại khoa nhi bệnh viện châm cứu Trung ương.
Bé tai nạn do sự chủ quan của bố mẹ
Chị Đỗ Thị Uyển mẹ bé Huyền Trang sụt sùi trong nước mắt nhớ lại buổi tối kinh hoàng hôm 4/4, khi cả gia đình sang nhà ông bà nội gần đó ăn cơm, ăn xong cháu Trang về trước. Lúc hơn 9h bác cháu sang nhà thì phát hiện cháu bị cửa cuốn đè ngang người.
Gia đình không biết cháu đã bị cửa đè vào người trong bao lâu, chỉ biết khi phát hiện ra thì người cháu đã tím tái và không còn thở nữa. Gia đình đã cho cháu đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh và được chuyển lên viện Nhi ngay trong đêm. Cháu được điều trị tại viện nhi hơn 1 tháng rồi chuyển sang viện châm cứu Trung ương điều trị tiếp.
Gạt dòng nước mắt trên má chị bày tỏ, để xảy ra tai nạn đáng tiếc này cũng là do sơ suất của gia đình, khi lắp cửa cuốn đã để công tắc điện thấp quá, vừa tầm tay của trẻ nên dẫn tới hậu quả này. "Giá mà làm không để con ở nhà một mình, giá mà gia đình về sớm hơn, giá như làm công tắc cửa làm cao hơn, giá như chú ý đến con hơn thì con không thế này, giá mà…".
Những cái "giá mà, giá như" của chị khiến những người trong phòng rưng rưng nước mắt. Mỗi cháu nằm viện là một tai nạn, một hoàn cảnh khác nhau. Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị tai nạn do cửa cuốn nhưng khi nó xảy ra vẫn khiến người ta bàng hoàng trước sự nguy hiểm của loại cửa được cho là hiện đại này. Cùng với đó là sự sơ suất của người lớn đã khiến con nhỏ phải gánh chịu hậu quả.
Tình trạng của cháu không nói trước được điều gì
Ths. Bs Dương Văn Tâm, Phó trưởng khoa nhi viện châm cứu Trung ương cho biết: "Tình trạng hiện nay của cháu Huyền Trang rất nặng. Đây là tai nạn hy hữu, cháu bị cửa cuốn đè vào người. Khi nhập viện cháu trong tình trạng tim ngừng đập, thiếu oxi kéo dài dẫn đến chết não, đời sống thực vật, tình trạng duỗi cứng, thần trí mất hết, không có phản ứng với các kích thích".
"Dù sau hơn 1 tháng điều trị cháu cũng có đỡ hơn, mắt có phản ứng chậm, tay chân có mềm hơn nhưng không đáng kể. Việc điều trị phục hồi chức năng là rất dài, tốn kém, phải kiên trì nhưng kết quả thì không nói trước được và tiến triển đến đâu chưa biết, chưa dám hứa trước với gia đình.
Hiện tại cháu đang được điều trị tích cực, bệnh viện đã dùng tất cả những kỹ thuật hiện đại nhất để điều trị, như điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại, chế độ vệ sinh, dinh dưỡng tốt. Sắp tới gia đình sẽ cho cháu sang viện 103 để dùng cao áp trị liệu, cho thở oxi liều cao để tăng khả năng phục hồi não. Dù đã kết hợp y học hiện đại, cả tây và đông y nhưng kết quả như thế nào chúng tôi không dám hứa trước điều gì" - bác sĩ Tâm cho hay.
Ths. Bs Dương Văn Tâm Phó trưởng khoa nhi viện châm cứu Trung ương: Cháu bé nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Dù đã được điều trị tất cả các phương pháp tốt nhất nhưng khả năng phục hồi đến đâu thì không thể nói trước được. |
Gia đình cần chú ý tới trẻ nhiều hơn
Chia sẻ về những bệnh nhi nhập viện do tai nạn đáng tiếc, bác sĩ Tâm cho biết: "Thỉnh thoảng viện vẫn tiếp nhận những trường hợp nhập viện vì lý do sơ suất của người lớn: tai nạn cửa cuốn, ngã từ trên cao xuống, tai nạn giao thông, đuối nước trong xô nước đầy. Chỉ vài phút lãng ý là mất một đứa nhỏ. T.Tâm lắm!".
Những ngày nắng nóng như thế này, trẻ nhập viện tăng gấp nhiều lần. Khoa có 100 giường mà hiện nay phải điều trị 300 cháu.
Vị phó trưởng khoa cho biết: Tổng cộng bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú tại khoa Nhi của viện Châm cứu Trung ương ngày 27/5 là 38 cháu. Đa số những bệnh nhi bị bại não. Lý giải nguyên nhân này, bác sĩ Tâm cho hay có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị bại não, trong đó tai biến sản khoa, tai nạn sinh hoạt đứng đầu.
Trước đây, nguyên nhân do nhiễm trùng thần kinh nhiều hơn nhưng ngày nay nhiễm trùng thần kinh đã có vắc xin điều trị nên dịch viêm não không xảy ra nữa. Thay vào đó, tai nạn sinh học và tai biến sản khoa nhiều lên. Trước đây, y học kém phát triển, trẻ đẻ non phần lớn là tử vong. Ngày nay, trình độ y học tốt lên, cứu được những cháu rất non yếu, thậm chí sinh non 6 đến 7 tháng cũng cứu được nhưng đồng nghĩa với đó là tỷ lệ di chứng nhiều hơn.
Với các cháu còn bé quá, ý thức tự vệ kém, bố mẹ cần quan tâm tới con cái hơn để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Hơn nữa, biết trước trong gia đình có những yếu tố nguy hiểm đối với trẻ em thì cần loại trừ những yếu tố đó. Đồ dùng phải thiết kế cho phù hợp với độ tuổi của trẻ. Những bể nước, ao, chậu nước phải có rào chắn che đậy… Vì đó là nguyên nhân của những tai nạn đáng tiếc, bác sĩ Tâm cảnh báo