Theo Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, đã có thêm trên 16 ha tôm thẻ chân trắng, cá mú ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) và các xã An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Hòa, An Cư (huyện Tuy An) bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan. Trước đó, có hơn 40 ha hồ nuôi tôm, cá mú cũng bị nhiễm bệnh tương tự, khiến người nuôi lao đao.
Tại các xã Xuân Thịnh, Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu) có 370 lồng cá mú với hơn 60.000 con bị chết (trọng lượng từ 0,4 – 0,7 kg/con). Theo người dân cho biết, cá chết có biểu hiện lở loét phần thân, vây và miệng. Một số lồng bị nặng, cá bị tróc vẩy, xuất huyết ngoài da.
Ông Nguyễn Văn Lẻ, một người dân nuôi cá mú ở xã Xuân Thịnh buồn rầu cho biết: “Gia đình tôi thả nuôi 10 lồng, chi phí từ lúc thả nuôi đến thời điểm này tiêu tốn cả trăm triệu đồng, bỗng dưng cá chết bây giờ coi như trắng tay”.
Không riêng gì gia đình ông Lẻ, nhiều hộ dân nuôi cá ở thị xã Sông Cầu cũng đứng trước nguy cơ mất trắng. Như gia đình ông Lê Xuân Hiếu với 10.000 con cá mú gần đến thời kỳ thu hoạch nhưng chỉ sau một đêm cá chết nổi trắng lồng, thiệt hại cả vài trăm triệu.
Tại huyện Tuy An là địa phương bị nặng nhất, tính từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện đã thả nuôi hơn 310ha tôm, nhưng đã có hơn 29,5ha tôm nuôi bị dịch bệnh. Nguyên nhân ban đầu được xác định tôm chết chủ yếu là bị thân đỏ đốm trắng, hội chứng gan tụy… Ông Trần Hoài Nam ở xã An Hòa, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 5.000m2 ao hồ thuộc khu vực đầm Ô Loan, năm vừa rồi thả nuôi 2 vụ, tôm đều bị bệnh chết, lỗ gần 100 triệu đồng”.
Theo Phòng NN-PTNT Tuy An, trên địa bàn huyện có khoảng 420ha ao hồ nuôi tôm, từ đầu vụ nuôi đến nay đã thả nuôi hơn 310ha, chủ yếu thuộc khu vực đầm Ô Loan. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi đang xảy ra ở nhiều xã ven đầm. Riêng xã An Ninh Tây thả nuôi hơn 32ha, nhưng đã có hơn 12ha bị dịch bệnh, nhiều hộ nuôi bị mất trắng. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân tôm chết chủ yếu là bị thân đỏ đốm trắng, hội chứng gan tụy…
Ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: “Trong 310ha đã thả nuôi, có khoảng 250ha nuôi tôm thẻ chân trắng và gần 60ha nuôi tôm sú. Đến nay số diện tích nuôi tôm bị bệnh là hơn 29,5ha, trong đó diện tích mất trắng khoảng 8,5ha. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã tăng cường phòng, chống dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng; dừng thả tôm ở khu vực bị bệnh, thực hiện các biện pháp cách ly, dập dịch…”
Trước tình hình dịch bệnh ở tôm thẻ, cá mú đang lan rộng không chỉ ở huyện Tuy An và nhiều vùng nuối khác của Thị xã Sông Cầu, huyện Đông Hòa. Chi cục thú y tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Cơ quan thú y Vùng 4 đã tiến hành lấy 2 mẫu cá mú, 3 mẫu nước để xét nghiệm, tìm tác nhân gây bệnh từ đó có biện pháp khuyến cáo cho bà con nông dân cách nuôi cũng như xử lý dịch bệnh.
Theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm Thú y Vùng IV cho thấy các mẫu cá mú bị chết ở thị xã Sông Cầu dương tính với vi khuẩn Vibrio alginolyticus.
Đây là loài vi khuẩn gây bệnh khá phổ biến đối với thủy sản, làm cho cá mú bị xuất huyết, mù mắt, tổn thương gan… Điều kiện thời tiết nắng nóng bất thường, mật độ nuôi quá dày, môi trường nước ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển nhanh khiến cá mú chết hàng loạt.