Tin liên quan
Đã có lúc cô nữ sinh muốn bỏ học
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Mộc Hoàn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội, Phùng Thị Phương Ngoan khiến bạn bè khâm phục về ý chí và nghị lực vươn lên trong học tập.
Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng hơn ai hết em khao khát được học tập để thoát nghèo. Bố Ngoan là bệnh binh 2/3, bị mất sức lao động 71%, gánh nặng 6 miệng ăn trong nhà trông chờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi của mẹ.
“Bố em hay đau yếu bệnh tật lắm! Mặc dù cũng đã có tuổi rồi nhưng bố mẹ vừa nuôi 2 anh em em đi học đại học trên này lại vừa chăm sóc bà nội đã hơn 80 tuổi. Bố thường nhắc nhở, đời bố mẹ đã khổ rồi cũng chẳng có của cải gì để lại nên chỉ cố gắng hết sức tạo điều kiện cho con có cái chữ…”, Ngoan nghẹn ngào chia sẻ.
Kể về bố, giọng cô bé lạc đi, đôi mắt hoe đỏ. Bởi đối với em, bố là người tuyệt vời và có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự cố gắng, thành công của mình ngày hôm nay. Trong con mắt của Ngoan ánh lên niềm tự hào về một người bố luôn chăm sóc cho ba chị em từng chút một, từ việc học hành đến những việc đối nhân xử thế trong cuộc sống.
Nhưng… đã có lúc Ngoan nghĩ từ bỏ việc học khi đang học lớp 12. Lúc ấy cả gia đình Ngoan chênh vênh khi bố đổ bệnh không thể lao động, khó khăn để nuôi 3 chị em cùng đi học trong khi đó chị gái đang học đại học trên Hà Nội. Áp lực kỳ thi đại học rồi nỗi lo mất bố mãi mãi và lo lắng cho sức khỏe của mẹ khiến tinh thần em suy sụp dẫn đến học hành ngày càng sa sút.
Nhưng chính nhờ sự động viên và niềm tin của người bố và sự chăm sóc tận tình, tình yêu thương của mẹ, Ngoan đã vượt lên tất cả, đạt được ước mơ lớn từ nhỏ, đó là thi đỗ vào Trường ĐH Ngoại thương với điểm số cao (28 điểm).
Mong muốn trở thành giảng viên ĐH Ngoại thương
Chia sẻ về lý do thi vào ĐH Ngoại thương, Ngoan đã từng đắn đo lựa chọn Trường ĐH Y vì học Ngoại thương sẽ phải bỏ ra rất nhiều chi phí để bổ sung thêm các kiến thức thực tế.
“Khi em đang học lớp 9, tình cờ em đã đọc được bài báo viết về Trường ĐH Ngoại thương – một môi trường năng động, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Lúc đó em đã mê nó và mong muốn trong tương lai sẽ trở thành giảng viên của trường.
Hơn nữa, quê em rất nghèo, có nhiều bạn muốn đi học mà không có điều kiện nên ngay từ nhỏ em đã rất muốn làm được điều gì đó có ý nghĩa để giúp đỡ những hoàn cảnh như vậy”, Ngoan nhớ lại.
Phương Ngoan (trái) luôn có niềm tin, lạc quan trong cuộc sống. Em tâm niệm muốn thành công phải luôn cố gắng nhiều hơn nữa.
Mong muốn ấy nuôi lớn ước mơ đỗ ĐH Ngoại thương ngày càng gần hơn khi Ngoan tiến bộ vượt bậc từng ngày. Vì gia đình không đủ điều kiện để em học thêm ở ngoài cùng bạn bè nên Ngoan đã cố gắng tự học nhiều hơn… Biết rằng điểm thi đầu vào của trường cao nhưng Ngoan luôn nghĩ rằng một khi đã quyết tâm thì không có thử thách nào là không vượt qua được.
Và cái ngày Ngoan nhận được giấy báo đỗ đại học với số điểm 28, em khóc òa bởi Ngoan biết bố là người hạnh phúc nhất, tự hào nhất. Ngày nhập học mang trên vai hành trang là niềm tin, sự động viên của bố mẹ, Ngoan tự hứa sẽ học thật giỏi.
Khi hỏi về bí quyết giành thành tích cao như vậy trong học tập (điểm tổng kết 8.85/10), Ngoan lắc đầu trả lời không hề có bí quyết gì đặc biệt. “Lúc nào em cũng động viên mình phải cố gắng hết sức mình thôi, nhớ đến những vất vả của bố mẹ mà nỗ lực đền đáp”, Phương Ngoan tự hào nói.
Và cũng như bao bạn trẻ khác, Ngoan lo lắng khi ra trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì gia đình cũng không có điều kiện để xin việc. Nhưng Ngoan luôn tâm niệm rằng: Không còn cách nào khác, muốn thành công và có công việc tốt khi ra trường thì bản thân phải cố gắng nhiều nữa.
Để làm được như thế, ngay từ khi đang là cô sinh viên năm 2, Ngoan đã xác định mục tiêu có kết quả học tập thật tốt, khả năng ngoại ngữ giỏi để giành lợi thế khi ra trường.
Ước mơ trở thành giảng viên Đại học Ngoại thương… đang ở gần cô sinh viên nghèo giàu ý chí phấn đấu Phương Ngoan.