Trước khi quyết định kết hôn với anh Thu, chị Ngoan đã đắn đo rất nhiều. Chị đắn đo không phải vì ít yêu anh mà đơn giản chị rất sợ bố anh.
Bố chồng nhiều yêu sách
Mẹ anh mất sớm. Bố anh chấp nhận cảnh gà trống nuôi con. Thấy bố hy sinh cho mình quá nhiều, anh rất có hiếu và luôn nghe lời bố.
Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu bố anh là người dễ tính. Đằng này, ông khó tính tới mức hiếm có. Ông luôn nhìn chị với ánh mắt soi mói. Vậy là chị rất sợ khi sống cùng một mái nhà với ông.
Biết tâm sự của người yêu, anh khẳng định anh sẽ cố gắng không để bố “bắt nạt” chị.
Vì yêu nên chị lờ đi nỗi sợ hãi bố chồng. Chị gật đầu đồng ý làm vợ anh.
Tới khi về làm dâu, chị mới phát hiện ra, bố chồng chị không phải khó tính mà kỳ dị. Sống với bố con anh, chị nghĩ, chị có tới hai người chồng.
Bố chồng chị không yêu cầu chị phải thức khuya dậy sớm. Nhưng ông thường nhắc chị phải chuẩn bị sẵn quần áo, đồ đạc cho ông mỗi khi ông ra ngoài.
Ông thậm chí còn điệu hơn cả chồng chị. Hàng ngày, mỗi khi cất đồ, ông bắt chị phải ủi quần áo cho ông thật cẩn thận rồi treo lên mắc.
Ông có thói quen uống sữa hàng đêm. Từ khi chị về làm dâu, ông muốn chị làm việc này cho ông vì “con lấy thằng Thu là lấy cả gia đình này. Bố không đòi hỏi nhiều ở con mà chỉ muốn con chăm sóc những người thân thật tốt”.
Chị đi làm cũng không yên thân. Ông gợi ý chị nên thường xuyên gọi điện cho ông để xem tình hình nhà cửa thế nào vì “nhỡ bố chết ra ở nhà thì sao?”.
Chị than thở: “Bố chồng luôn muốn tôi làm những việc mà chỉ vợ mới làm cho chồng thôi. Tất nhiên, các việc ông đề nghị đều không có gì nhạy cảm nhưng tôi vẫn thấy khó chịu vô cùng”.
Trong khi đó, chị Nhã cũng đau đầu vì phải chịu cảm giác lấy chồng, “lấy” luôn cả bố chồng.
Chị kể: “Mẹ chồng tôi rất vụng về, chỉ thích họp hành ở phường, không bao giờ lo lắng việc nhà nên mọi thứ đổ hết lên đầu tôi. Với bố chồng, dường như mẹ chồng không tồn tại. Ông muốn tôi chăm sóc ông nhiều như chăm sóc chồng tôi. Sinh nhật ông, tôi quên mua quà, ông dỗi ngay. Ông còn cáu giận nếu tôi mua mấy cái quần sịp cho chồng mà ông không có phần. Rồi mùa đông lạnh, muốn nhắc chồng mặc quần áo ấm, tôi phải nhắc ông trước”.
Nhọc nhằn lấy lại tự do
Cả chị Ngoan và chị Nhã đều khẳng định bố chồng mình có nhiều yêu sách vượt quá giới hạn như vậy nhưng chắc chắn không có chuyện bố chồng muốn “tòm tem” với nàng dâu.
Chị Ngoan phân trần: “Bố chồng tôi có những yêu sách thái quá như vậy chủ yếu là do lâu lắm rồi ông thiếu bàn tay chăm sóc của phụ nữ. Và ông luôn nghĩ, phụ nữ khi lấy chồng là lấy luôn cả gia đình nhà chồng nên ông tin rằng chăm sóc bố chồng là bổn phận của nàng dâu”.
Con dâu có nghĩa vụ chăm sóc bố chồng là đúng rồi. Nhưng chăm sóc theo kiểu mà chị đang phải làm thì hình như hơi quá.
Chính vì vậy, chị Ngoan nói thẳng thắn với chồng rằng chị không muốn lo lắng cho ông quá kĩ lưỡng, tỉ mỉ như vậy nữa. Với chị, chỉ có chồng mới được nhận sự yêu thương đặc biệt này.
Nhưng vì thương bố, anh Thu không dám nói suy nghĩ của vợ. Thế là chị Ngoan tự mình hành động. Chị sẵn sàng từ chối một số yêu cầu hơi thái quá của bố chồng.
Thấy con dâu bỗng dưng lờ mình đi, ông giận lắm, mắng nhiếc con trai thậm tệ. Ông tự ái tới mức đuổi hai vợ chồng chị ra khỏi nhà.
Trong khi đó, chị Nhã lại có cách xử lý khéo léo hơn nhiều. Biết chồng không dám lên tiếng, chị âm thầm thực hiện kế hoạch một mình.
Mỗi lần mua sắm đồ đạc cho chồng, chị lại tìm mọi cách ép mẹ chồng đi cùng. Rồi chị ép luôn bà mua đồ cho ông.
Muốn nhắc chồng mặc áo ấm khi trời lạnh, chị lại giục bà mang áo cho ông trước. Bằng sự khéo léo và nỗ lực của mình, chị đã “đào tạo” được mẹ chồng biết cách chăm chồng con hơn. Và quan trọng nhất, bố chồng không “làm phiền” tới chị nữa.
Bây giờ tình hình trong gia đình chị đã khác hẳn trước kia. Hai ông bà thường rủ rỉ với nhau thay vì mỗi người ngồi một góc. Chị thở phào nhẹ nhõm và có cảm giác hạnh phúc thật sự đang đến rất gần.