Thu hồi giấy phép nếu không khắc phục vi phạm
Theo quy định mới, trước khi khởi công xây dựng, chủ công trình phải có giấy phép xây dựng, trừ một số dạng công trình đặc thù do Pháp Luật quy định như công trình bí mật nhà nước, công trình theo lệnh khẩn cấp, công trình tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính. Nghị định mới cũng quy định, sau thời hạn được ghi trên giấy biên nhận mà cơ quan Nhà nước không trả lời về việc cấp giấy phép thì chủ đầu tư được khởi công công trình theo thiết kế đã nộp và có thông báo gửi tới cơ quan cấp phép. Sau khi nhận hồ sơ xin cấp phép của người dân, trong 10 ngày, cơ quan Nhà nước phải xem xét hồ sơ, trả lời cho chủ đầu tư các tài liệu còn thiếu và yêu cầu bổ sung. Thời gian cấp giấy phép mới, công trình tạm được quy định không quá 20 ngày, còn nhà xây dựng riêng lẻ tại đô thị không quá 15 ngày. Cơ quan cấp phép xây dựng cũng phải niêm yết công khai các thủ tục hành chính, quy trình, thời gian cấp phép tại nơi tiếp nhận hồ sơ, cũng như chịu trách nhiệm về nội dung giấy phép đã cấp, bồi thường thiệt hại nếu cấp chậm cho người dân.
Chính phủ cũng quy định, sẽ thu hồi giấy phép đã cấp nếu sau 6 tháng gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa khởi công. Ngoài ra, chế tài tương tự cũng áp dụng với trường hợp quá thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm (đối với trường hợp xây dựng sai phép) mà chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục các vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Giải tỏa bức xúc của người dân
Đặc biệt, quy định mới nêu rõ, các công trình nằm khu vực đã có quy hoạch chi tiết được công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất sẽ được cấp phép xây dựng tạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng tạm hết hạn và không yêu cầu bồi thường đối với phần công trình phát sinh sau khi quy hoạch được công bố. Trường hợp không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình.
Đây là tin vui đối với hàng nghìn hộ dân đang nằm trong vùng quy hoạch “treo” trên địa bàn thành phố. Bởi đây là vấn đề gây bức xúc nhiều năm nay tại Hà Nội. Rất nhiều hộ dân vì nằm trong vùng quy hoạch “treo”, dự án “treo” đã không được phép xây dựng mới, cải tạo nhà ở trong nhiều năm liền khiến điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Tổ 6, khu dân cư 1, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng là một ví dụ. Hàng trăm hộ dân ở đây là “nạn nhân” của dự án đường vành đai I, đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, đã “khởi động” từ hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa “đi” được bước nào. Ông Hồ Văn Ưu, tổ trưởng dân phố bức xúc thay cho người dân: “Dự án treo gần 20 năm như thế. Nhà cửa của dân xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được cấp phép xây dựng. Cống rãnh cũng không được ưu tiên làm, gây ô nhiễm, khiến đời sống người dân chỉ ở mức tạm bợ, không thể ổn định được...”.
Cũng liên quan tới vấn đề dân sinh bức xúc này, trước yêu cầu của người dân, UBND quận Ba Đình mới đây đã đề nghị TP cho phép các hộ gia đình nằm trong vùng quy hoạch được cấp phép xây dựng nhà từ 4 đến 5 tầng để giải quyết, tháo gỡ khó khăn nhu cầu về chỗ ở. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội trả lời rằng, phải chờ Chính phủ ban hành Nghị định mới về cấp phép xây dựng. Đại diện Sở Xây dựng nói: “Sau khi nghị định mới về cấp phép được Chính phủ ban hành, Sở Xây dựng sẽ trình TP nội dung thí điểm cấp Giấy phép xây dựng tạm nhà ở riêng lẻ quy mô 5 tầng để UBND TP xem xét, ban hành”.
Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã giao Sở Xây dựng và Sở QH-KT đề xuất, báo cáo TP về quy định cấp phép xây dựng tạm đối với nhà ở nằm trong quy hoạch chưa thực hiện dự án. Như vậy, tới thời điểm này, các sở, ngành sẽ không thể tiếp tục thoái thác trách nhiệm. TP cần sớm soạn thảo, ban hành quy định cấp phép xây dựng tạm để “giải thoát” cho các hộ dân đang ngày đêm khốn khổ vì quy hoạch “treo”.
Cấp phép xây dựng: Hết khổ vì dự án “treo”
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về cấp phép xây dựng. Theo đó, các công trình nằm trong khu vực quy hoạch “treo” (đã có quy hoạch chi tiết được công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất) sẽ được cấp phép xây dựng tạm.