Một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Tổng hợp liên bang Bắc Kavkaz (NCFU) với tư cách là thành viên của nhóm nghiên cứu quốc tế, đã thu được các chất sinh học khả dụng hơn và ít độc hại hơn với hoạt tính chống ung thư cao.
Các hợp chất thu được đã được thử nghiệm về hoạt tính chống lại các loại ung thư nguy hiểm nhất mà hầu hết các loại thuốc đã biết đến đều không thể điều trị được.
Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Bioorganic & Medicinal Chemistry Letters.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Sputnik, các chuyên gia của NCFU giải thích rằng, ngày nay trong thực hành lâm sàng, để điều trị bệnh ung thư nguy hiểm đang tiến triển, các bác sĩ sử dụng các hợp chất rất độc hại để lại các sản phẩm phân hủy tế bào trong cơ thể.
Nhưng phương pháp này không thể sử dụng được để điều trị các khối u não. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm kiếm các loại thuốc mới không tiêu diệt mà làm bất hoạt các tế bào ung thư.
Theo các chuyên gia, hóa chất duy nhất có hoạt tính như vậy được sử dụng rộng rãi trong trong thực hành lâm sàng là axit retinoic (dùng để điều trị khối u não), nhưng khả năng kháng lại nó nhanh chóng phát triển, dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Một nhóm các nhà khoa học của NCFU, cùng với các đồng nghiệp từ Đại học bang Texas (Mỹ), đã giới thiệu 3 loại hợp chất, axit hydroxamic 2-aryl-2-(3-indolyl), mà theo các nhà nghiên cứu, có “khả năng đặc biệt biến đổi tế bào ung thư thành mô khỏe mạnh của con người”. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học gặp phải vấn đề về khả dụng sinh học kém của các hợp chất này như chúng bị “rửa trôi” khỏi máu quá nhanh.
“Bằng cách sử dụng biến đổi hóa học, chúng tôi đã điều chỉnh phân tử để nó không có mảnh nào dễ bị tổn thương trước tác động của các thành phần máu.”, ông Alexander Aksenov, đồng tác giả của nghiên cứu khoa học, Trưởng khoa Hóa học- NCFU, cho biết.
Theo ông Aksenov, hai loại chất axit hydroxamic tương tự đã được tổng hợp, gồm acetamide và oxazolines, không làm mất tác dụng của hợp chất “được bảo vệ”.
Ngoài ra, các tác giả của nghiên cứu đã chứng minh rằng, các hợp chất thu được ít độc hại hơn 700 - 1.500 lần đối với các tế bào khỏe mạnh.
“Các hợp chất chúng tôi thu được có thể biến tế bào ung thư thành tế bào khỏe mạnh, gây ra sự tái biệt hóa, về cơ bản khác với các loại thuốc hiện đang được sử dụng trong thực hành lâm sàng.”, ông Aksenov giải thích, nhấn mạnh, việc phát triển công nghệ này cho phép chữa trị hiệu quả cả hai dạng ung thư nguy hiểm nhất nằm trong não, cũng như các loại khối u khác.
Cũng theo Trưởng khoa Hóa học NCFU Aksenov, trong tương lai, việc điều trị bệnh nhân ung thư có thể sẽ gây ra ít hậu quả hơn cho cơ thể và sự phát triển của các tác nhân biệt hóa sẽ giúp thực hiện liệu pháp điều trị mà không cần phẫu thuật, tương tự như các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn.
“Trong tương lai, nhóm nghiên cứu của chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các cấu trúc phân tử mới, hiệu quả hơn, vì tính đặc hiệu của các bệnh ung thư đòi hỏi phải lựa chọn loại cocktail kháng thể riêng cho từng bệnh nhân.”, ông Aksenov nói.
Theo Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 20 triệu ca ung thư được chẩn đoán trên toàn thế giới vào năm 2022.
WHO cảnh báo, tỉ lệ ung thư toàn cầu sẽ tăng đến 77% vào năm 2050, sẽ có 35 triệu ca ung thư mỗi năm.