Sáng 2-12, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 chính thức khai mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Nhiều giải pháp duy trì việc làm cho NLĐ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, nhiệm kỳ 2018-2023 công đoàn đối diện với nhiều khó khăn.
Đầu nhiệm kỳ dịch COVID-19 bùng phát, xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi, sự suy giảm kinh tế thương mại và lạm phát toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động (NLĐ) và hoạt động của công đoàn.
Cuối nhiệm kỳ, tình trạng thiếu việc làm của NLĐ diễn ra trên diện rộng, số NLĐ phải rời các doanh nghiệp về quê hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức tăng nhanh.
Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, quyết liệt, duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho NLĐ.
Đặc biệt, ngày 12-6-2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Từ đó, tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư nêu rõ, cần thẳng thắn thừa nhận hoạt động của công đoàn và phong trào công nhân còn một số hạn chế, bất cập đã được chỉ ra từ nhiều nhiệm kỳ nay.
Chẳng hạn mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn có mặt chậm được đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ lao động.
Một bộ phận cán bộ công đoàn còn thiếu sâu sát, năng lực hạn chế, chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, gần gũi với NLĐ, thiếu kỹ năng hoạt động công đoàn. Do đó, không nắm được tâm tư, nguyện vọng và không phát huy đầy đủ vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ.
“Cá biệt còn một số đoàn viên bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, làm những việc sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội…”- Tổng Bí thư chỉ rõ.
Khắc phục hạn chế trong nhiệm kỳ này
Nhận định những hạn chế trên có trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Tổng Bí thư đề nghị Đại hội cần quan tâm thảo luận, phân tích kỹ các nguyên nhân tồn tại, hạn chế. Từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp để “khắc phục cho bằng được trong nhiệm kỳ này”.
Tổng Bí thư cũng đề nghị trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn, cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ rằng Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý.
Công đoàn vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Hoạt động của Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng.
Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: NLĐ vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn, tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình?
“Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho NLĐ…”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Đại hội Công đoàn.
Với bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, đe dọa sự ổn định về việc làm và cơ hội nâng cao thu nhập của NLĐ, Tổng Bí thư đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn. Tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, NLĐ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày.
Thêm vào đó, các cấp công đoàn phải tích cực đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp Luật của Nhà nước. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội. Tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đại hội Công đoàn lần này là bầu ra Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII. Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu dự đại hội nêu cao trách nhiệm, sáng suốt, công tâm lựa chọn những người thật sự tiêu biểu về bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có năng lực, uy tín, nhiệt tình và trách nhiệm cao vào Ban Chấp hành.