Những cuộc gọi ngân dài và… “mất hút”
23h13. Những con ngõ nhỏ trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã trở nên yên ắng, chỉ còn lại ánh đèn đường và lác đác tiếng rao đêm rơi. Vào thời điểm đó, nhịp chân của Trung úy Lê Trọng Trung, Cảnh sát khu vực Công an phường Vĩnh Tuy vẫn lặng lẽ bước. Bóng anh đổ dài trên đường vắng cùng với quyển sổ ghi danh sách từng công dân chưa làm căn cước công dân gắn chíp. “Chiến dịch” 30 ngày đêm thực hiện Mệnh lệnh 01 của Giám đốc CATP Hà Nội thôi thúc anh và đồng đội quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Phường Vĩnh Tuy là địa bàn rộng, dân cư đa dạng các nhóm ngành, nghề, nhưng khu vực tôi phụ trách đa phần là người lao động. Có những người đi từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về nhà. Thậm chí, có công dân phải gần 12h đêm mới có mặt ở nhà” - Trung úy Lê Trọng Trung cho biết. Theo lời kể của anh, đó là những ngày dài anh vắng nhà. Sáng sớm rời đi, về nhà khuya khoắt, tất cả vì nhiệm vụ được giao, vì nhân dân phục vụ. 30 ngày đêm thực hiện một “chiến dịch”, với anh, ngắn nhưng cũng dài lắm. “Ngày nào cũng rà danh sách, đến từng nhà tìm gặp và động viên công dân. Người hiểu và thông cảm cho mình thì không sao, người không hiểu lại cho rằng mình làm phiền. Đi qua khoảng thời gian này, tôi mới thấy cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô thực sự nỗ lực, còn để nói là nỗ lực bao nhiêu phần trăm thì khó nói lắm, chỉ biết rằng mỗi khi tranh thủ nghỉ ngơi là hai mắt nhắm nghiền vì mệt và buồn ngủ”. Trong câu chuyện của mình, Trung úy Lê Trọng Trung cũng không quên nhớ lại những cuộc điện thoại, lúc gọi đi có người nhận, nhưng rồi chỉ còn tiếng “tút… tút… tút…” ngân dài, và sau cùng là “mất hút”. “Lúc ấy cảm giác hoang mang, đành “chầu chực” luôn ở nhà công dân để đợi. Khoảng thời gian này, có lẽ trong suốt những năm tháng sự nghiệp sẽ mãi là dấu ấn không thể nào quên đối với tôi. Vất vả không? Có! Mệt không? Chắc chắn! Nhưng kết thúc “chiến dịch” là niềm tự hào. Tôi đã sống, cống hiến hết mình vì nhiệm vụ được giao…”.
Trường hợp người già, người tàn tật được các chiến sĩ đến tận nhà làm thủ tục
Những chuyến đi xuyên đêm trên cánh đồng tối
“29 xã thì có nhiều xã ở xa, cách trụ sở Công an huyện gần 20 cây số. Vì thế, sau ca làm việc muộn, anh em về tới trụ sở có khi đã hơn 12h đêm. Chúng tôi lại phải tập hợp số liệu, đối sánh với dữ liệu của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) rồi báo cáo về CATP Hà Nội ngay trong đêm vì hôm sau đã phải đi sớm rồi, nên về nhà đã 1-2h sáng. Nhiều khi chỉ rửa mặt, thay bộ quần áo rồi lên giường đi ngủ chứ cũng không kịp tắm” - Đại úy Nguyễn Hải Linh, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) nhớ lại “chiến dịch” thần tốc thực hiện Mệnh lệnh 01 về cao điểm cấp căn cước công dân gắn chíp.
Cán bộ Cảnh sát khu vực Công an phường Vĩnh Tuy (Hà Nội) tận tụy với công việc
Đường sá xa xôi do địa bàn rộng, nên quãng đường về không biết bao đêm phải băng qua cánh đồng tối sẫm, không một ánh đèn. Để quên đi cảm giác đói và mệt, cũng như con đường dài hun hút chỉ với ánh sáng đèn xe, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Thường Tín tham gia “chiến dịch” phải pha trò, kể chuyện cho rôm rả, để quãng đường về trụ sở Công an huyện như ngắn lại. Vất vả lắm, nhưng cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: “Chẳng thấm vào đâu so với lực lượng Công an xã”.
Bắt tay vào triển khai Mệnh lệnh 01, không chỉ Cảnh sát khu vực mà ngay cả đồng chí Trưởng công an xã Nghiêm Xuyên cũng phải lao vào “cuộc chiến”, rà danh sách công dân, phân chia cho từng cán bộ, chiến sĩ, và cũng trực tiếp xuống địa bàn, đi từng ngõ, gõ từng nhà, động viên từng hộ gia đình. “Người dân xã Nghiêm Xuyên 100% thuần nông, sáng sớm ra đồng, đến tối mới về nhà nên việc vận động, tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Kể vui ra đây là có cán bộ, chiến sĩ của chúng tôi đi ra tận đồng vận động, bà con bảo bao giờ cuốc xong luống đất thì về đi làm, thế là cán bộ của tôi cũng vào giúp một tay. Thấy vậy, công dân mới hiểu được tầm quan trọng của việc làm căn cước công dân gắn chíp” - Đại úy Vương Tiến Đạt, Trưởng Công an xã Nghiêm Xuyên cho biết.
Giờ đây khi nhớ lại, có lẽ với mỗi cán bộ, chiến sĩ của Công an huyện Thường Tín tham gia “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp về mã định danh điện tử còn lại là đong đầy những kỷ niệm.
Giây phút giải lao, người chiến sĩ Cảnh sát khu vực gọi điện thoại cho vợ con để làm động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Những giọt nước mắt lăn dài giữa “chiến dịch”
“Bố mẹ tôi ở quê xa, chỉ có mình tôi xây dựng gia đình và công tác ở Hà Nội. Ông cũng mắc bệnh ung thư đã 5 năm nay. Bình thường, hàng tháng tôi đều tranh thủ ngày cuối tuần thu xếp công việc, xin phép chỉ huy về thăm ông. Bố mẹ giờ đã già, sức khỏe yếu dần nên bản thân phận làm con quan tâm được bố mẹ lúc nào hay lúc ấy. Suốt thời gian CATP Hà Nội triển khai cao điểm cấp căn cước công dân gắn chíp, công việc của tôi cũng như bao đồng đội khác đều rất bận nên tôi không thể về quê được. Phường chúng tôi huy động cả tổ Cảnh sát trật tự, Cảnh sát Hình Sự tham gia giúp đỡ trực thay anh em Cảnh sát khu vực, để tổ chúng tôi tập trung tối đa nguồn lực cho “chiến dịch”. Nói như vậy để thấy sự quyết tâm của mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi, tất cả đều cố gắng vì nhiệm vụ được Ban Giám đốc, Ban Chỉ huy Công an quận, phường giao phó…” - Đại úy Nguyễn Văn Quang, Cảnh sát khu vực Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) tâm sự.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Thường Tín không ngại khó khăn, vất vả, khắc phục mọi hoàn cảnh để cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân
Khi được hỏi về những ngày tham gia “chiến dịch”, Đại úy Nguyễn Văn Quang đã không giấu nổi cảm xúc. Trong “chiến dịch” ấy, người chiến sĩ Cảnh sát khu vực đã nhiều lần bật khóc trong đêm. “Hôm đó, trong lúc đến động viên, thuyết phục công dân đi làm căn cước công dân gắn chíp, tôi nhận được điện thoại thông báo vợ chuẩn bị sinh. Lúc ấy thực sự cũng rất cuống, vì nhà còn con nhỏ mà chỉ có bà ngoại ra giúp đỡ nên tôi hầu như rơi vào trạng thái lo lắng” - anh kể thêm.
Hoàn cảnh là thế, nhưng Đại úy Nguyễn Văn Quang vẫn cố gắng thuyết phục, đưa công dân lên trụ sở làm thủ tục rồi mới lấy xe vào bệnh viện. Anh đã không kiềm chế nổi cảm xúc mà bật khóc. Anh bảo, mệt mỏi cố được, khó khăn cũng có thể vượt qua, nhưng cảm giác bất lực khi người thân cần mà mình không thể có mặt ngay nó rất khó diễn tả. Thế rồi những ngày sau đó, người cán bộ Cảnh sát khu vực vừa đi làm, vừa tranh thủ tạt về nhà chăm sóc vợ con.
Lần thứ hai, Đại úy Nguyễn Văn Quang bật khóc, là khi nghe tin con gái thứ hai lên cơn sốt cao. Thời điểm đó, chỉ có ba mẹ con ở nhà, vợ thì mới sinh. Nhận điện thoại của vợ, vẫn là khi anh đang ở dưới địa bàn làm nhiệm vụ... “Mệnh lệnh vẫn dang dở, bản thân tôi và đồng đội đều đang gắng hết sức mình để chạy đua với thời gian, nhưng hết việc nọ đến việc kia cứ ập tới dồn dập, cảm thấy như nghẹt thở”. Những tưởng chỉ đến đây thôi, nhưng người chiến sĩ nhiệt huyết lại thêm một lần thứ ba rơi nước mắt.
“Thời điểm gần về cuối “chiến dịch”, chúng tôi tập trung vào những công dân già yếu, bệnh tật, đi lại khó khăn. Với những trường hợp này, Công an phường Trung Hòa đưa cả phương tiện xuống để đưa đón công dân. Chính những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát khu vực chúng tôi là người cõng các bác, các cụ đưa lên trụ sở. Thực ra, bố tôi bị bệnh đã lâu nên tôi cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng đối diện với những tình huống khẩn cấp. Chỉ có điều, khi xảy ra lại đúng vào lúc cao điểm, gấp rút nên tôi đã tưởng mình gục ngã. Khi hay tin bố tôi nhập viện cấp cứu, tôi cố kìm nén, bình tĩnh đưa công dân đến trụ sở an toàn, sau đó nhờ đồng đội hoàn thành nốt nhiệm vụ rồi mới lập tức lên đường về quê ngay trong đêm”… Vậy đó, anh cùng đồng đội đã sống và cống hiến những ngày “lịch sử”, tạo bước chuyển mình trong công tác xây dựng dữ liệu dân cư theo Đề án 06, làm nền tảng cho Chính phủ điện tử.
Các tổ công tác không quản ngày đêm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp. Ảnh: Tuấn Anh
Phía sau những dãy số, đường vân
Tháng 10-2020, Thiếu tá Bùi Thị Lan Hương khi ấy còn đeo cấp hàm Đại úy, biên chế thuộc Công an phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xung phong tham gia “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động theo Đề án của Bộ Công an dù hoàn cảnh rất đặc biệt. Một mình nuôi hai con nhỏ, nhưng vì nhiệm vụ, chị đã gác lại nỗi niềm riêng, gửi con về ông bà ngoại cách xa phòng trọ của ba mẹ con hơn 20km. Lần đầu tiên, Thiếu tá Bùi Thị Lan Hương cảm thấy quãng đường về nhà bố mẹ xa đến thế. Càng về gần tới nhà, tâm trạng của chị càng khó diễn tả. Nghĩ tới những ngày xa con sắp tới, đêm về một mình, vắng tiếng ríu rít của con… bất giác, những giọt nước mắt cứ tự nhiên lăn xuống.
Rồi chị cùng đồng đội lao vào “chiến dịch” với một sự quyết tâm cao độ. Có những ngày, các cán bộ, chiến sĩ trong kíp của chị làm việc quên cả bữa, đôi khi chỉ là gói mỳ tôm úp vội, khi thì chiếc bánh mỳ khô để nhanh chóng quay trở lại với công việc. Ngày 1-3-2021, cao điểm bắt đầu, Bộ Công an giao chỉ tiêu mỗi máy một ngày phải cấp cho 300 hồ sơ. Thế nhưng, kíp của nữ Thiếu tá Bùi Thị Lan Hương luôn dẫn đầu với 400, thậm chí 450 hồ sơ. Theo kế hoạch, ca tối sẽ làm việc đến 22h, nhưng kíp của chị có ngày làm tới 5h sáng hôm sau. “Thật ra lúc ấy điều tôi nghĩ đến nhiều nhất là các con. Bình thường ba mẹ con có nhau, giờ gửi con về quê, nhớ lắm chứ! Nên lúc tham gia “chiến dịch”, chỉ biết làm và làm, làm để quên đi nỗi nhớ con và cũng muốn hoàn thành “chiến dịch” một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để sớm được gặp con. Với tôi, công việc là niềm vui, các con là động lực” - Thiếu tá Bùi Thị Lan Hương chia sẻ.
Với Thiếu tá Bùi Thị Lan Hương (Công an phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), công việc là niềm vui, các con là động lực
Cẩn thận trong từng hồ sơ, tỉ mỉ trong từng giây lấy đường vân trên tay công dân, nhưng điều khiến các cấp lãnh đạo ghi nhận ở nữ chiến sĩ của mình chính là sự cố gắng quên mệt mỏi và sự thầm lặng hy sinh. Có những ngày cấp căn cước công dân đến 4, 5h sáng, đáng lẽ ca sau sẽ được nghỉ ngơi để kíp khác thay phiên, nhưng nếu như kíp trưởng của ca sau ốm, mệt thì Thiếu tá Bùi Thị Lan Hương cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ thay.
Trong suốt khoảng thời gian ấy, nữ chiến sĩ Công an phường Hàng Bông cũng như những nữ cán bộ, chiến sĩ khác gầy rộc đi trông thấy. Các chị lao vào “cuộc chiến”, và cùng nhau “chiến đấu” bằng hết sức lực của mình. Nhưng tất cả những mệt nhọc ấy không đánh gục nổi nữ Thiếu tá, mà điều khiến chị sợ hãi nhất là khi đối diện với “cuộc chiến” nội tâm, là mỗi lần trở về lúc rạng sáng, căn nhà vắng tanh… Rất nhiều ngày như thế, vì quá tủi thân mà chị bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Thiếu tá Bùi Thị Lan Hương chia sẻ: “Tôi chỉ ước có một ai đó thấu hiểu, yêu thương, có thể là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Tôi ước những khi mỏi mệt ấy sẽ nhận được những dòng tin nhắn động viên. Ước có người chờ đợi tôi trở về thì dù ăn bát cơm nguội cũng hạnh phúc”...
* * *
“Chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp theo Đề án của Bộ Công an đã được CATP Hà Nội triển khai quyết liệt, đạt nhiều thành tích nổi bật. Bằng khen, Giấy khen của các cấp đã phần nào ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của từng cán bộ, chiến sĩ toàn Công an Thủ đô. Họ đã vượt qua nghịch cảnh, thậm chí dù giữa lúc cả Hà Nội căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19, thì các cán bộ, chiến sĩ vẫn phải đảm bảo tiến độ. Không thể nói hết những vất vả, hy sinh của họ trên “mặt trận” của những dãy số, đường vân. Và họ - những người chiến sĩ khoác trên mình màu áo xanh bình yên tiếp tục sống và cống hiến hết mình với niềm tự hào “Vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ”. Để hướng đến một Chính phủ số với những công dân thời đại số, các cán bộ chiến sĩ công an ở cơ sở đã có những ngày lăn lộn cùng “chiến dịch” như thế, nhằm xây dựng dữ liệu điện tử cho từng công dân với phương châm “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”.