Thông báo được công bố sau cuộc tham vấn thường niên cấp Bộ trưởng Mỹ - Úc (AUSMIN) tại Washington ngày 6-12. Sự kiện diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi các đối tác từ nay tới tháng 3-2023 sẽ quyết định xem Anh hay Mỹ cung cấp tàu ngầm cho Canberra theo khuôn khổ liên minh quốc phòng AUKUS.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Úc Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết dựa trên các cam kết thắt chặt hợp tác quốc phòng, Lầu Năm Góc sẽ tăng cường sự hiện diện luân phiên của Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến cùng các máy bay ném bom, máy bay chiến đấu tại Úc. Hoạt động này thúc đẩy khả năng tương tác giữa hai đồng minh, từ đó rèn luyện sự linh hoạt và thích nghi. Hai bên cũng mở rộng hợp tác hậu cần, tiếp tục tìm cách tích hợp khả năng sản xuất vũ khí trong những năm tới.
Hiện không có thêm chi tiết nào về thời gian, số lượng binh sĩ hoặc khí tài mà Mỹ tăng cường triển khai đến Úc. Nhưng hồi tháng 10, Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận tiết lộ Washington đang lên kế hoạch triển khai 6 máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới một căn cứ không quân ở miền Bắc Úc. Khu vực này cũng là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động quân sự chung giữa hai nước, bao gồm luân chuyển hàng ngàn lính thủy đánh bộ Mỹ mỗi năm để tham gia huấn luyện và tập trận chung.
Cảnh báo đến Trung Quốc
Mỹ - Úc thắt chặt hợp tác quân sự khi cả hai đều có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Phát biểu sau cuộc hội đàm AUSMIN, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh hai đồng minh có chung tầm nhìn về một khu vực nơi các quốc gia có thể tự quyết định tương lai của mình. Tuy nhiên, “tầm nhìn” này đang bị thách thức khi các hành động “nguy hiểm” và “cưỡng ép” mà Trung Quốc thực hiện xung quanh Đài Loan, trên Biển Đông và Hoa Đông cũng như đối với các quốc đảo Thái Bình Dương trở thành mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình, ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với Mỹ, giới quan sát cho rằng Úc vẫn là đối tác quan trọng trong nhiều sáng kiến đặc trưng của Washington để đẩy lùi các hoạt động quân sự, kinh tế và chính trị của Trung Quốc gây bất ổn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Canberra cũng sắm vai trò hậu cần thiết yếu trong việc bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ động thái vũ trang nào từ Bắc Kinh. Về phía Úc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường hàng đầu về xuất khẩu quặng sắt. Nhưng vài năm gần đây, họ bắt đầu lo ngại trước tham vọng quân sự của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương, đặc biệt sau vụ Trung Quốc đạt được hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon.
Hiện tại, Úc và Mỹ đều đang tìm cách thúc đẩy hợp tác quân sự 3 bên với Nhật Bản. Trong cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Austin cho biết ông và người đồng Úc nhất trí mời Tokyo tham gia các sáng kiến bố trí lực lượng của Mỹ ở Úc. “Chúng tôi mong được hợp tác nhiều hơn với Nhật Bản, quan trọng hơn hết là tất cả điều này được thực hiện dựa trên quan điểm muốn xây dựng sự cân bằng trong khu vực” - Bộ trưởng Marles nói thêm.