Đưa tay chỉ về tuyến đường ĐH83 nối từ xã Sơn Màu vào xã Sơn Tinh (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) đầy những ổ gà, ổ voi, ông Đinh Văn Nốt (xã Sơn Tinh) cho biết: Trước đây con đường kiên cố, sạch đẹp lắm. Vậy nhưng từ năm 2015 đến 2018, hàng ngày có hàng trăm lượt xe tải chạy qua tuyến đường để chở vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án thủy điện khiến đường xá ngày càng xuống cấp.
“Mấy năm nay đường nát hết. Lúc mưa bão, có người ốm đau cần phải đi bệnh viện, người dân ở Sơn Tinh, Sơn Lập phải thay nhau khiêng người bệnh đi bộ bằng võng chứ không thể đi xe máy” – ông Nốt nói.
Không chỉ gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại vào mùa mưa bão, vì đường xấu quá cũng khiến chi phí cho vận chuyển hàng hóa, nông sản rất cao. Chẳng hạn như, tiền công vận chuyển một xe keo chở xuống Sơn Hạ (huyện Sơn Hà) hoặc khu kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn) tốn hết 5 triệu đồng, trong khi đó, trị giá của lượng keo trên xe khoảng 15 triệu đồng, chưa kể chi phí thuê nhân công chặt keo, bóc vỏ.
Nhiều ổ voi, ổ gà gây cản trở cho người tham gia giao thông
Theo người dân địa phương, trước kia, khi chưa có các dự án thủy điện gồm Sơn Trà 1A, Sơn Trà 1B và Sơn Trà 1C triển khai, tuyến đường ĐH83 khá tốt, việc đi lại, buôn bán giao thương hàng hóa của người dân tiện lợi, thông suốt. Tuy nhiên, từ khi thực hiện 3 dự án thủy điện này, cùng với việc chủ đầu tư đưa nhiều phương tiện cơ giới, vận chuyển vật liệu, máy móc với tần suất cao, tải trọng lớn đã khiến tuyến đường độc đạo nối các xã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Tương tự, tuyến đường đi qua UBND xã Sơn Lập cũng bị hư hỏng rất nặng. Dọc theo đoạn này chi chít ổ gà, ổ voi, mặt đường bị bong tróc, hư hỏng. Ngay cả những đoạn được làm bằng bê tông cũng bị nứt chằng chịt, bong tróc lớp mặt khiến mặt đường nham nhở. Còn tại nhiều vị trí cầu cống bị xuống cấp, có nguy cơ lún, sập bất cứ lúc nào.
Nhiều đoạn bê tông trên đường DH8 bị vỡ nát
Xã Sơn Tinh và Sơn Lập (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) nằm chót vót trên những dãy núi cao, giáp ranh với huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Trên một đoạn sông Xà Lò khá ngắn chảy qua địa phận 2 xã nơi đây nhưng có 3 dự án thủy điện gồm: Sơn Trà 1A, Sơn Trà 1B và Sơn Trà 1C. Khi cả 3 thủy điện hoàn thành, tuyến đường ĐH83 có hàng trăm vị trí bị hư hỏng nặng, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.
Không chỉ đường sá bị cày nát do thi công thủy điện trong một thời gian dài, mà khi 3 dự án thủy điện trên hoàn thành, ngăn dòng trên sông Xà Lò, khiến hạ du con sông này trở thành dòng sông “chết”, nguồn nước cạn kiệt, thủy sản suy giảm, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.
Chủ đầu tư không sửa chữa, hoàn trả cho địa phương sau khi các dự án thuỷ điện hoàn thành
Đáng nói là, trước khi thi công các dự án thủy điện, chủ đầu tư có cam kết với địa phương sẽ sửa chữa lại đường bị hư hỏng khi dự án hoàn thành nên địa phương, người dân mới thống nhất để thủy điện triển khai. Tuy nhiên, khi người dân, địa phương kiến nghị sửa chữa đường ở những đoạn xuống cấp nghiêm trọng nhưng chủ đầu tư lại không chịu hoàn trả.
Theo ông Đinh Trường Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, tuyến đường ĐH83 hư hỏng nặng như hiện nay có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do việc thi công 3 dự án thủy điện nói trên.
“UBND huyện Sơn Tây đã có nhiều văn bản yêu cầu các công ty quản lý thủy điện cùng với huyện, tham gia khắc phục hư hỏng. Vừa rồi, họ có đổ ít đất, đá để khắc phục một đoạn nhưng chẳng thấm vào đâu. Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư nâng cấp lại tuyến đường. Đồng thời tiếp tục kiến nghị các công ty quản lý thủy điện khắc phục những hư hỏng, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn” - ông Giang nói.