Tôi đưa cây dù cho Ngần che nắng, Ngần cười xua tay:
- Lâu lâu về quê một lần, nắng thì kệ nắng, bịt mặt che dù người trong xóm nói mình chảnh, nói mình ra phố mới mấy năm mà sợ cái nắng xứ đồng, quen nước máy, ngán mùi bùn, phèn mặn...
Tôi cất cây dù vào trong giỏ. Hai chị em đội nắng về nhà, dọc đường Ngần trỏ tay, miệng tếu táo:
- Chị Thương nhớ hông, cái mương này nè, hồi đó em trốn má đi chơi, co chân nhảy từ bên đó qua bên này, rồi té xuống, may nhờ có chị Thương đi ngang qua vớt em lên.
- Ừ, chị nhớ, hồi đó vui quá em ha!
- Hồi đó không giống như lúc mình lớn lên, hồi đó vui hơn.
Tôi chạnh lòng không đáp. Ngần thấy vậy cũng im re. Chúng tôi lặng lẽ bước đi. Nắng ngả về bên ấy soi bóng chúng tôi song song, lúc hòa vào nhau chảy dài trên cánh đồng mới gặt xong gốc rạ còn lởm chởm. Ngần nói xóm Ruộng mình vẫn đẹp như xưa. Mấy cô gái xuân thời bỏ đất quê, bỏ ruộng đồng bon chen chốn thị thành, cũng chẳng biết cuộc sống ra sao, mấy năm rồi không về thăm xóm Ruộng. Ngần nhìn dòng sông, nhìn cánh đồng, nhìn con đường dẫn về xóm Ruộng, lòng Ngần đang vời vợi nghĩ về những điều khác. Ngần bước qua con mương, nắng nghiêng nghiêng.
* * *
Dòng sông quê hương đã từng chứng kiến những bể dâu trong cuộc đời của má. Ngày má bơi xuồng đưa Ngần qua sông, má khóc rưng rức. Ngần thương má, nhưng đứa con gái ấy đã quyết tâm rời khỏi xóm Ruộng. Ngần không giống như tôi, tôi thà sống quẩn quanh khổ nghèo, ăn rau trong vườn, con cá dưới sông, miễn có má là vui nhất đời. Hồi còn nhỏ Ngần hay hỏi tôi thành phố ở đâu? Chắc là vui dữ lắm! Tôi cười, bảo hồi nào tới giờ chị hai có đặt chân lên thành phố bao giờ đâu mà biết. Nhưng ở đó đông người, xe cộ tấp nập, đầy niềm vui và ánh sáng. Ngần nói sau này có chết Ngần cũng ráng một lần chen chân lên thành phố. Sống khổ nghèo, túng thiếu người đời khinh khi. Tôi lặng người đi. Mắt má buồn thăm thẳm.
- Má sợ thành phố làm bây đổi thay, bây không còn là con Ngần chân lấm tay bùn, hiền lành, chất phác của má nữa.
Tôi hiểu vì sao má tôi nói vậy. Sống ở xóm Ruộng từ khi má còn là cô gái cột tóc hai chùm, từng chiều ngồi ở mũi xuồng, bà ngoại ngồi sau lái, bơi xuồng đi vớt bèo về trộn cám cho vịt ăn. Má chứng kiến cảnh nhiều người lần lượt rời bỏ xóm Ruộng. Má hỏi bà ngoại: “Họ đi đâu vậy má?”. Bà ngoại thở dài: “Đi xứ khác làm ăn, đi lấy chồng thành phố... Hình như miền quê không phải là nơi những người đó thuộc về”. Má lặng người đi.
Xóm Ruộng mỗi ngày một vắng hơn. Nhiều căn nhà bỏ hoang, trơ trọi trên bờ sông liêu xiêu gió. Nhiều người vẫn tha thiết với nơi chôn nhau cắt rốn, cách mấy năm sau ngày có con gái đi lấy chồng ngoại quốc, vài căn nhà tường đẹp, kiên cố, nước sơn bóng loáng mọc lên. Cảnh nhà khấm khá hơn xưa, nhưng sự trống trải khi đứa con gái năm nào giờ đây lang bạt nơi xứ người, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa... vẫn không thể nào bù đắp được. Má tôi nói với bà ngoại: “Thôi, con thà ở đây chứ không đi đâu”. Bà ngoại tưởng má buột miệng nói vậy cho ngoại vui chứ lớn lên má cũng bay đến những phương trời xa lạ. Nhưng má đã làm đúng lời hứa với bà ngoại.
Có lần tôi nói đùa với má:
- Hay mấy má con mình lên thành phố sống, má ha?
Má gõ yêu lên đầu tôi, cười hiền:
- Má nói rồi, thành phố không phải là nơi má thuộc về. Má sẽ sống ở ruộng đồng, ở đất quê đến khi má xuôi tay nhắm mắt thì thôi...
Tôi biết má tôi một lòng thủy chung son sắt với quê cha đất tổ.
* * *
Ngần muốn lên thành phố, má cản không được. Má nói: “Hồi nó còn nhỏ, má nói gì nó nghe đó, má kêu nó đừng lén má bơi xuồng qua chơi bên kia sông, nó cũng nghe. Lớn lên nó không còn nghe lời má nữa”. Nghe má khóc mà lòng tôi ddđau nhói. Đêm trước khi Ngần lên thành phố, tôi ngồi trong buồng nhìn Ngần soạn đồ đạc, áo quần. Ngoài trời gió thốc. Má ho sù sụ, thấy mà thương. Tôi hỏi Ngần lên đó rồi ở đâu, làm gì mà sống. Ngần cười tươi rói:
- Chị Thương yên tâm, chị còn nhớ con San ở xóm bên hông? Nó nói em lên nó lo chỗ ở cho em, rồi nó dẫn em vô công ty làm chung với nó. Con nhỏ này hồi đó đi học ngang ngã ba xóm cãi lộn với nó hoài mà giờ tốt hết biết.
Tôi đâm lo:
- Khi không người ta lại tốt với em, còn hứa lo chỗ ở, dẫn đi làm, hồi nào tới giờ chị em mình có thân thiết với con San đâu Ngần?
- Chị Thương lo xa quá! Đồng hương cả mà, người xứ mình tốt tính lắm!
- Thế nào cũng phải giữ mình, má thương Ngần lắm đó!
Ngần ngoan ngoãn gật đầu. Đêm đó, chị em tôi ngủ chung với nhau. Mùi bông bưởi từ mái tóc Ngần bay ra thơm ngào ngạt.
Má đưa Ngần qua sông, trời lất phất mưa. Má dặn:
- Lên đó nhắm ở không được thì về với má, ở nhà mình dẫu sao cũng tốt hơn.
Ngần cười để má an tâm. Ngần đi xe ôm ra bến xe, còn má đứng chỗ bến nước nhìn theo cho đến khi bóng Ngần khuất hẳn trong mưa. Má quệt nước mắt rồi bơi xuồng trở về bên này sông. Tim tôi se thắt.
Trong căn nhà nhỏ, sớm chiều má mong ngóng tin Ngần phương xa. Má chưa một lần đặt chân lên thành phố. Nơi đó chỉ hiện lên qua lời kể của những người đã từng đi và trở về: Đông đúc, ồn ã, hiện đại và đầy cạm bẫy. Má sợ Ngần sẽ bị gột rửa cái bản chất hiền lành, chân chất của cô gái quê. Má lo, xưa giờ Ngần chỉ biết từ đầu xóm đến cuối xóm, nơi xa nhất mà Ngần đi chính là thị trấn. Ngần tốt nghiệp cấp ba, má đưa Ngần ra đó ngó trường trung cấp, định cho Ngần học, nhưng Ngần không chịu. Ngần muốn đi làm phụ má. Không học thì má dẫn Ngần về nhà, má không muốn con gái má phải chịu cực chịu khổ như cuộc đời của má. “Không biết giờ này con Ngần làm gì hả Thương? Lên đó một mình, đau ốm thì ai mà lo?”.
* * *
Mấy lần tôi định lên thành phố thăm Ngần, má đòi theo, nhưng tôi không cho. Ngần lên đó ngót nghét cũng mấy năm, thời gian trôi qua nhanh không tưởng. Mấy mùa lúa chín vàng. Dòng sông quê hương bao bận nước ròng nước lớn.
Tôi hứa với má, khi nào lên thành phố tìm gặp Ngần, tôi sẽ đưa Ngần về với má, không tha hương nữa, cực lắm. Từ lúc Ngần đi tới giờ Ngần chưa một lần về thăm xóm, thăm má. Má bơi xuồng qua xóm bên, tìm gặp dì Tư - má con San - hỏi xem có tin tức gì của con má hay không. Dì Tư không biết chuyện gọi điện lên thành phố, con San bảo Ngần không có ở chỗ San. Má hoảng quá chạy về, đứng trước hiên nhà, má mếu máo:
- Thương ơi, dẫn má đi tìm con Ngần, đi tìm con má, tìm em về đi con. Má nhớ nó lắm!
Tôi đón xe đò lên thành phố. Mùa sáo kêu bên sông. Tiếng sáo không đủ vang xa gọi Ngần về với xóm làng thân yêu, với cánh đồng cuối mùa chỉ còn trơ trơ gốc rạ. Không gặp Ngần, má bệnh nhiều. Gió cứ thốc vào căn nhà liêu xiêu. Tôi đưa má đi khám bệnh. Bác sĩ bảo má bị suy nhược cơ thể. Tôi biết má nhớ Ngần quá nên thành ra như vậy, liều thuốc hữu hiệu nhất lúc này chính là Ngần. Má tôi buồn hiu. Trong những đêm má mơ thấy Ngần về, má gọi tên Ngần, má biểu Ngần đừng đi nữa, ở lại với má, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, ba má con sống quây quần bên nhau như hồi xưa, vậy
chứ vui!
* * *
Một buổi chiều mù sương, tôi ngồi gỡ tóc má, nấu nước ấm gội đầu cho má ngoài hiên nhà bằng dầu gội bồ kết thơm nức, giống như ngày xưa má đã từng gội cho chị em tôi. Bỗng có dì Tư văng vẳng dưới bến sông, chỗ cây bần ổi:
- Chị hai ơi, con San gọi về nói nó gặp con Ngần rồi. Con gái chị đang làm ở tiệm uốn tóc, khỏe re à, chị đừng có lo.
Sợ dì Tư nói để má vui lòng, yên tâm dưỡng bệnh, má hỏi lại:
- Thiệt hông? Tui xót ruột quá!
- Thiệt! Nó có cho tôi địa chỉ chỗ con Ngần nè, khi nào má con chị thong thả lên đó thăm.
Má tôi mừng rơi nước mắt. Tôi cũng thấy mắt mình cay cay. Từ đây, má tôi có niềm tin rằng Ngần không đánh mất chính mình ở cái nơi đất chật người đông ấy. Ngần vẫn là đứa em gái bé bỏng, ngây thơ, hiền lành như bông lúa đầu mùa của tôi. Chỉ vì Ngần sợ má lo lắng, Ngần muốn tập trung làm việc để có thể lo lắng được cho má sau này nên Ngần không gọi về cho má. Đúng là suy nghĩ non nớt của Ngần - Tôi nghĩ vậy. Giá mà Ngần gọi điện về nhà đều đặn, chí ít là để má biết Ngần ở đâu, có khỏe không, má cũng vui lòng.
* * *
Tôi lại lên thành phố tìm Ngần. Thành phố đông đúc và hiện đại. Nhà cao tầng nhấp nhô. Tôi nghe nói thành phố tôi luyện người ta trưởng thành lên từng ngày. Tôi không biết điều đó có đúng hay không bởi tôi cũng như má, mãi mãi không thuộc về cái nơi đất chật người đông ấy.
Lao đao kiếm tìm, theo lời San, cuối cùng tôi gặp được em. Thấy tôi đứng lơ ngơ trước tiệm uốn tóc cuối dãy phố lá me bay lác đác, Ngần chạy ra ôm chầm lấy tôi. Khóc rưng rức như một đứa trẻ. Qua màn nước mắt, tôi nhận ra trước mắt tôi vẫn là Ngần, đôi mắt sáng ngời, mái tóc buông dài thơm mùi bông bưởi.
- Ngần ơi, về nhà đi em, má nhớ em! Má chỉ còn hai chị em mình thôi!
Ngần nức nở, gục đầu vào vai tôi. Em gật đầu. Cái gật đầu của Ngần bỗng nhiên khiến lòng tôi nhẹ bẫng.
- Chân em cũng mỏi rồi, chị Thương ơi! Thôi em sẽ theo chị về với má. Sống như hồi xưa, vậy mà vui, chị Thương ha.
Tôi cười, đưa tay lau nước mắt cho em.
* * *
Về xóm Ruộng, về với những yêu thương, với ký ức tuổi xưa, với dòng sông, cánh đồng mênh mông, với thanh yên đất trời, với má...
Xóm Ruộng muôn đời vẫn đẹp. Giờ thì xóm Ruộng cũng đông đúc hơn xưa, đường nhựa được trải thẳng tắp. Cầu xi măng được bắc qua sông, thay thế cây cầu tre lắc lẻo năm nào.
Ngần à! Chị tính vầy, lần này mình về đây sửa lại nhà, mở thêm cái tiệm uốn tóc cho em. Mình sống với má đến khi em lấy chồng luôn ha?
Ngần gật đầu. Bỗng em hỏi lại tôi:
- Còn chị Thương, bộ chị định ở vậy suốt đời à?
Tôi cười e thẹn. Tôi chợt nhớ về người con trai từng mùa gặt chở lúa bằng chiếc xuồng nhỏ ngang nhà tôi, có con cá lóc, cá rô cũng đều gọi tôi xuống bến sông đem lên làm món ăn cho má...
Nói chuyện mãi rồi đến nhà. Má tôi kia rồi. Hình như má đã thấy Ngần, đứa con gái má yêu thương trở về cố hương, về với người má hiền lành chiều nào cũng ra sân mong ngóng. Mắt má ướt đẫm. Ngần chạy đến ôm chấm lấy má. Má, từ nay con không xa má nữa...