Bản Bướt ban hành hương ước không được bắt cá suối
Xem Video: Hàng vạn con cá suối ở bản Bướt ngoi lên ăn mì tôm ở Sơn La ai xem cũng trầm trồ kỳ lạ
Nằm cách Quốc lộ 6 chưa đầy 2km, nhưng bản Bướt bị ngăn cách bởi dãy núi đá cao chất ngất giữa tầng không. Trước đây, bà con người Thái sống trong cảnh không điện, không đường, việc giao thương với bên ngoài gặp vô vàn khó khăn.
Nhưng bù lại, bản Bướt lại được thiên nhiên vô cùng ưu đãi, đó là được rừng già che chở, suối nguồn bao bọc. Suối nguồn tuôn chảy quanh năm tạo ra mùa màng bội thu. Thóc luôn đầy bồ, ngô treo đầy bếp, phong cảnh thiên nhiên thật yên bình.
Giàng (ông Trời - pv) còn thương người Thái sống ở nơi xứ lạnh này nên đã ban cho suối nước nóng. Mạch nước tuôn chảy quanh năm từ trong núi nương, ra ruộng để sưởi ấm những mùa đông lạnh giá.
Ít bản nào của Tây Bắc được Giàng ban cho nhiều đặc ân đến vậy. Giờ đây, bản Bướt như nàng tiên nữ trong rừng ngủ quên nhiều năm đang được đánh thức bằng chính sự quyết tâm của bà con người Thái nơi đây.
Trước tình trạng người dân dùng kích điện bắt cá suối dẫn đến có nguy cơ cạn kiệt, bà con người Thái bản Bướt đã họp và ban hành hương ước cấm bắt cá suối. Ảnh: Tuệ Linh.
Gia đình anh Hà Văn Nguy dựng cái lán nhỏ bên suối để đón tiếp khách phương xa khi đến bản Bướt du lịch. Đám cá suối được "thơm lây" vì khách đến thường mua mì tôm cho chúng ăn. Chúng thường bu lại ở chân lán đợi mồi. Dưới làn nước trong xanh, cá bơi lội từng đàn nối nhau. Chúng rất dạn người.
Theo anh Nguy, người Thái đã định cư ở bản Bướt được hơn trăm năm. Từ 3 hộ gia đình ban đầu, nay bản có tới 25 hộ. Cuộc sống của bà con dựa vào trồng lúa và chăn nuôi nên còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, bản có hương ước, không ai được bắt cá ở suối. Nếu ai bắt sẽ bị phạt 1 bao thóc.
Bà con người Thái khi lập làng, dựng bản thường làm cạnh các con suối. Món cá suối gắn với đời sống của họ không thể tách rời. Tuy nhiên, người dân bản Bướt lại ra hương ước không bắt cá ở suối quả là một điều lạ.
Hương ước bản Bướt giúp cá suối hồi sinh
Ông Vì Văn Phúc, Trưởng bản Bướt cho biết: Cách đây mấy chục năm, cá suối nhiều vô kể. Bà con chỉ quang mẻ chài là có cá ăn cho vài ngày. Thời gian gần đây, bà con đánh bắt không dừng lại ở việc cải thiện bữa ăn nữa, họ còn mang bán.
Anh Nguy và du khách thả mì tôm xuống suối cho đàn cá ăn. Ảnh: Xuân Tuấn.
Theo ông Phúc, do đánh bắt liên tục, dẫn đến nguồn cá ở suối bị cạn kiệt. Nhiều người còn dùng kích điện bắt cá. Trước thực trạng này, bản đã họp và đi đến thống nhất ban hành hương ước là không bắt cá suối nữa. Từ đó, cá suối mới hồi sinh và có nhiều cá như hiện nay.
Dẫn chúng tôi ra thăm suối cá, anh Nguy còn mang theo ít mì tôm. Anh Nguy bảo: Chúng rất thích ăn mì tôm và bánh mì.
Đến bờ suối, anh Nguy quang nắm mì tôm xuống suối. Bỗng chốc cả mặt suối xao động. Cả vạn con cá từ khắp mọi hướng cùng ngoi lên đớp mồi. Mấy gói mì tôm được quang xuống đàn cá chén hết sạch.
Hàng vạn con cá suối ở bản Bướt bơi lên ăn mì tôm. Ảnh: Tuệ Linh.
Chúng bơi thành từng đàn, mạnh dạn vào sát bờ để hóng mồi. Biết bản Bướt có suối cá, khách du lịch cũng tìm đến tận nơi để xem. Cá suối ở bản Bướt không to bằng cá ở suối cá thần Thanh Hóa. Nhưng sau cả chục năm được bảo tồn, số lượng cá đã tăng lên nhanh chóng.
Bà con người Thái nơi đây đã biết bảo ban nhau giữ gìn phong cảnh tự nhiên cũng như bảo vệ đàn cá suối để phát triển du lịch. Hiện nay, bản Bướt đã có 3 cơ sở lưu trú, đón du khách. Đến với bản Bướt, du khách được vui chơi thỏa thích bên suối cá, lại được trải nghiệm văn hóa bản địa vô cùng độc đáo.
Có thể nói, hương ước không được bắt cá suối đã góp phần đưa du khách đến với bản Bướt ngày một nhiều hơn. Qua đó, từng bước giúp bà con bản Thái nơi đây nâng cao thu nhập, xoá nghèo bền vững, xây dựng bản làng ngày một phát triển.