Xung quanh câu chuyện thời gian vào học như thế nào là phù hợp, một số lãnh đạo và phụ huynh ở Tp.HCM nêu ý kiến.
Lãnh đạo phòng giáo dục nói khó thực hiện
Trước thực tế phản ánh về những bất cập việc học sinh vào học quá sớm, tan trường cũng "lỡ cỡ" trong khoảng 15h45, nên đề xuất lùi giờ vào học, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, cho biết hiện nay các trường triển khai giảng dạy theo chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và 2018, dạy học 1 buổi hoặc 2 buổi/ngày (theo quy định của chương trình và tình hình thực tiễn của nhà trường). Thời gian bắt đầu học và ra về được giao cho các đơn vị chủ động sắp xếp.
Theo ông Quốc, việc sắp xếp giờ giấc này phụ thuộc vào kế hoạch giảng dạy của quận, nhà trường; độ tuổi học sinh; hoàn cảnh chung của các học sinh (công việc của ba mẹ, người đưa đón…); tình hình an toàn trật tự và mật độ giao thông trong khu vực; kế hoạch tổ chức bán trú và các hoạt động sau giờ học chính khóa…
“Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu và có các đề xuất chung phù hợp về thời gian vào học để đảm bảo đủ thời gian giảng dạy theo yêu cầu của chương trình, kế hoạch nhà trường, đảm bảo hạn chế ùn tắc giao thông, thuận lợi việc đưa đón và đảm bảo sức khỏe cho học sinh”, ông Quốc nói.
Theo lãnh đạo một số phòng giáo dục và trường học, đi học sớm tuy vất vả cho các phụ huynh, học sinh nhưng số đông phụ huynh vẫn ủng hộ và việc lùi giờ học là khó có thể thực hiện.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Dương Văn Dân, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 8, Tp.HCM cho biết, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn quận đều cho học sinh vào học lúc 7h30 và thời gian này là khá phù hợp.
“Với những học sinh học hai buổi/ngày, khi bắt đầu ngày học vào lúc 7h30, nếu học bốn tiết (tính cả giờ ra chơi) thì phải sau 10h30 các em mới kết thúc buổi học để chuẩn bị cho việc ăn trưa, nghỉ trưa và làm các công tác khác trước khi vào học buổi chiều lúc 14h. Còn với những học sinh học 1 buổi/ngày thì sẽ học 5 tiết buổi sáng nên cũng sau 11h mới kết thúc buổi học. Lúc đó các em mới được đưa đón về nhà để ăn trưa, nghỉ ngơi”, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 8 Dương Văn Dân nói về thời khóa biểu của một học sinh tiểu học.
Cũng theo ông Dân, giờ vào học trễ hay sớm so với thói quen đi học của học sinh thì cũng còn lệ thuộc vào phụ huynh bởi có nhiều người đi làm xa thường đưa con đến trường sớm. Với những trường hợp học sinh đến sớm, nhà trường sẽ bố trí giáo viên kỹ năng, hoặc giáo viên thể dục… để quản lý khi các em đến trường nhằm tránh thời gian “chết”, học sinh phải chờ đợi mệt mỏi.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho hay, học sinh trên địa bàn quận vào học các khung giờ từ 7h đến 7h15 và muộn nhất là 7h30 (tùy trường và tùy bậc học). “Thậm chí 2 trường đối diện nhau cũng phải tính toán lệch giờ vào học, giờ ra về để hạn chế việc ùn tắc ở cổng trường nên chuyện chung giờ học cho các trường là khó thực hiện”, ông Tuyên nhận xét.
Theo ông Tuyên, việc quy định giờ học của học sinh hiện nay căn cứ vào các yếu tố xã hội, dân cư, đặc trưng, đặc thù của từng địa phương. Thêm vào đó là yếu tố lệch giờ, lệch ca để hạn chế ùn tắc, kẹt giờ, kẹt xe, trật tự an toàn giao thông vào giờ cao điểm.
Phụ huynh lên tiếng
Nhiều trường học ở Tp.HCM hiện đang bố trí lịch học từ lúc 7h, do đó học sinh phải có mặt tại trường từ lúc 6h45. Một bộ phận lớn phụ huynh đang cho rằng, lịch học như vậy là quá sớm, cần lùi thêm thời gian để học sinh có thời gian nghỉ ngơi.
Chị Hoa - phụ huynh có hai con học lớp 7 Trường THCS Võ Trường Toản, Quận 1, Tp.HCM than phiền vì trường yêu cầu học sinh phải có mặt ở trường từ 6h45. Theo chị Hoa, thời gian này là quá sớm vì các con không kịp ăn sáng, chị cũng chưa đi làm giờ này.
"Học sinh tiểu học giờ vất vả hơn cả nhân viên văn phòng!" là nhận định chung của nhiều bậc phụ huynh khi mới đây, câu chuyện giờ vào học quá sớm đã một lần nữa gây xôn xao dư luận.
Bày tỏ mong mỏi khẩn thiết về việc được lùi giờ vào học của con em mình, chị Tâm Anh, có con học tại Trường tiểu học Lý Nhân Tông, P.9, Q.8 cho hay các con phải có mặt ở trường lúc 7h, mặt cháu nào cũng ngơ ngác vì thiếu ngủ, mới ngủ dậy cũng chưa thể ăn sáng đàng hoàng nhưng đã phải mắt nhắm mắt mở, dậy chuẩn bị vệ sinh cá nhân rồi đến trường.
“Có cháu ăn vội miếng bánh trên yên xe máy cha mẹ. Tối về các con lại ôn bài, làm bài, tới khuya mới được đi ngủ. Nhìn rất xót xa. Đói ăn thiếu ngủ triền miên như thế, ngược lại với khoa học như thế làm sao có thể cao lớn, phát triển trí tuệ tốt nhất?”, người mẹ này chia sẻ.
Tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Tp.Thủ Đức, giờ vào học tiết 1 buổi sáng của học sinh bắt đầu lúc 7h30. Trước đó, học sinh toàn trường có 10 phút để tập thể dục buổi sáng. Thời gian kết thúc giờ học buổi sáng là 10g30. Giờ học buổi chiều bắt đầu lúc 13h45 và kết thúc lúc 15h50.
"Học sinh tiểu học học tối đa là 7 tiết/ngày, vì vậy nhà trường thuận tiện trong thiết kế thời khóa biểu, bắt đầu giờ học lúc 7h30. Thời gian vào học này là phù hợp với học sinh, vì ở tiểu học các em học theo tuyến nên đa phần đều ở khá gần trường. Việc các em được vận động thể dục nhẹ nhàng trước khi bắt đầu tiết học sẽ giúp các em tỉnh táo, khỏe khắn, tinh thần vui vẻ.
Khung thời gian trên còn giúp nhà trường có thể đan xen lồng ghép, thiết kế thêm nhiều hoạt động, câu lạc bộ, kỹ năng sống... để học sinh trải nghiệm, trang bị cho học sinh thêm kỹ năng, kiến thức thực tế từ chính bài học trên lớp", đại diện nhà trường chia sẻ.
Năm học này, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5 lùi thời gian học buổi sáng từ 7h xuống 7h30. Cô Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng thừa nhận "không dễ dàng để nói điều chỉnh là điều chỉnh ngay được".
"Để đi đến điều chỉnh trong năm học này, trước đó nhà trường phải tính toán nhiều yếu tố từ chương trình học, thiết kế thời khóa biểu, tình hình giao thông trước cổng trường... Đặc biệt là thống nhất ý kiến của đội ngũ, phụ huynh toàn trường. Làm sao khung thời gian điều chỉnh vừa thuận lợi cho nhà trường và tạo điều kiện tốt nhất cho phụ huynh, học sinh", cô Hiền nói.
Một số trường học ở Tp.HCM đề xuất lùi giờ học lên muộn hơn và gây tranh cãi vài ngày gần đây, ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho rằng, tốt nhất cần thử nghiệm và thực hiện thí điểm tại một số trường. Đặc biệt, cần trao quyền cho hiệu trưởng thực hiện.
Sau một vài năm, từ kết quả đó có thể tổng kết, điều tra và lấy ý kiến của phụ huynh, có như vậy bài toán mới khả thi. "Mỗi địa phương có các đặc trưng vùng khác nhau. Chúng ta không thể bắt buộc một khung giờ cho tất cả các trường hay nói cách khác, không thể áp bài toán chung cho cả nước", ông Nguyễn Cao Cường khẳng định.
Vị hiệu trưởng này đưa ra thí dụ, chẳng hạn có những trường đang vào học lúc 7h30 nhưng lùi xuống 8h. Học sinh vào học muộn 30 phút nghĩa là trong tuần khoảng 6-7 tiết phải đẩy lên buổi chiều. Như vậy, các em phải đi học thêm 2 buổi chiều nữa thì có thể thực hiện được. Thế nhưng trường hợp có những trường đang phải chia ra hai ca vì thiếu trường lớp, việc đẩy lùi giờ muộn hơn không thể thực hiện được vì gặp nhiều khó khăn.
Một vấn đề rất quan trọng nằm ngoài tính toán khoa học là giờ học của các con phải phù hợp với giờ làm của bố mẹ. "Vì vậy như tôi nói ngay từ đầu, cần có khảo sát và đồng thuận từ phụ huynh học sinh để có bài toán khả thi", Hiệu trưởng Nguyễn Cao Cường cho biết.
Không thể "áp" bài toán chung cho cả nước
Một giáo viên tâm lý ở trường THPT tại Hà Nội cho hay, việc "áp" thời gian vào học ở cấp phổ thông phải phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng học sinh và thậm chí phù hợp với cả giờ giấc đi làm của bố mẹ.
Về điều này, chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm (tốt nghiệp Đại học Houston Baptist) cũng đưa ra quan điểm, nếu đưa ra một cách thức hay giờ giấc chung cho hàng triệu học sinh ở toàn bộ các trường trên cả nước sẽ rất khó khăn.
Thông thường các trường tư thục được tự chủ, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc thay đổi giờ học bởi khối trường này có nhóm học sinh đồng nhất.
Trên khía cạnh chính sách, có thể chia nhỏ đối tượng học sinh ở các địa phương, càng nhỏ càng dễ thực hiện.