Từ những năm 2.000, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng, mở rộng nhằm khép kín đường vành đai 1 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành, chủ yếu do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Càng về sau, chi phí giải phóng mặt bằng càng tăng khiến cho tổng mức đầu tư của các dự án, chi phí trên mỗi km đường ngày cũng tăng theo.
Tháng 2/2008, vành đai 1 đoạn Kim Liên - Xã Đàn chính thức được thông xe sau khoảng 10 năm phê duyệt. Tuyến đường có chiều dài 550 m, tổng mức đầu tư 773 tỷ đồng. Lúc đó, nơi đây được mệnh danh là “đường đắt nhất hành tinh" với chi phí trung bình 1,41 tỷ/km.
Ba năm sau, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu dài 547 m cũng được khánh thành với tổng mức khoảng 800 tỷ đồng. Chi phí để làm 1 km đường tăng lên khoảng 1,5 tỷ.
Đến tháng 7/2016, đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái dài 570 m, tổng mức 1.139 tỷ đồng cũng được thông xe. Chi phí làm mỗi km đường tiếp tục tăng lên thành 2 tỷ đồng.
Hiện tại, Vành đai 1 chỉ còn đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là nút thắt cuối cùng cần tháo gỡ để hoàn thiện, khép kín toàn tuyến.
Dự án xây dựng đoạn đường này được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2017, dài hơn 2,2km, mặt cắt ngang 50 m, gồm 6 làn đường; hai cầu vượt tại các nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành.
Với tổng mức đầu tư gần 7.800 tỷ đồng, riêng phần giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư hơn 6.000 tỷ đồng, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đã phá kỷ lục về tổng kinh phí đầu tư trên mỗi km đường của các dự án trước đó trên địa bàn Thủ đô. Dự kiến, mỗi m đường ở đây tiêu tốn 3,44 tỷ đồng.
Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020, tuy nhiên đến nay, tuyến đường vẫn chậm tiến độ do chưa thể giải phóng mặt bằng. Ước tính hơn 2.300 hộ nằm trong diện giải tỏa, trong đó địa bàn quận Đống Đa có 808 hộ, địa bàn quận Ba Đình có 1.520 hộ. Nhu cầu tái định cư khoảng 2.239 hộ.
Hai hạng mục cấp bách cần làm trước là cầu vượt nút giao: Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành và cầu vượt nút giao Giảng Võ - Đê La Thành cũng chưa có mặt bằng để khởi công.
Trả lời báo chí, Tiến sĩ Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông, cho biết tcác dự án vành đai thường mất tới 10 - 20 năm để khép kín hoàn toàn. Trừ các thành phố lớn ở Trung Quốc, đa số các thành phố trên thế giới như Paris (Pháp) hay Berlin (Đức) cũng mất vài chục năm để khép kín các đường vành đai.