Tin liên quan
Nga đã tiến hành các cuộc không kích tên lửa nhằm vào các trung tâm chỉ huy quân sự, trung tâm liên lạc và các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine ngày 10/10, hai ngày sau vụ nổ trên cầu Crimea mà Moscow cáo buộc do các lực lượng đặc biệt của Ukraine thực hiện.
Tại cuộc họp Hội đồng An ninh Nga ngày 10/10, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, chiến dịch không kích tên lửa của Moscow ở Ukraine không chỉ nhằm phản ứng trước vụ nổ trên cầu Crimea mà còn trước hàng loạt hành vi khủng bố của Kiev trong những tháng qua khi nhắm vào các cơ sở hạ tầng của Nga.
Những hành động của các nhà chức trách Ukraine đã đặt họ "ngang với những nhóm khủng bố" và Nga không thể "bỏ qua những hành vi phạm tội như vậy", Tổng thống Putin cho hay, đồng thời khẳng định nếu chủ nghĩa khủng bố của Ukraine tiếp tục nhắm vào Nga, Moscow sẽ "phản ứng cứng rắn và phản ứng đó phụ thuộc vào mức độ mối đe dọa được tạo ra".
Các cuộc không kích tên lửa của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine trải khắp một khu vực dài hơn 1.000 km, trong đó có các nhà máy điện và các mục tiêu quân sự, từ Kharkov và Dnepropetrovsk tới Odessa, Kiev, Ternpol và Lvov, khiến cho một số khu vực của nước này tạm thời không có điện.
“Nga không nói suông”
"Nga từng cảnh báo một cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu Crimea là một lằn ranh đỏ và nếu Ukraine vượt qua nó, bản chất cuộc xung đột sẽ thay đổi. Tôi nghĩ chúng ta đang chứng kiến biểu hiện cho thấy Nga không nói suông về việc này", ông Scott Ritter, cựu quan chức tình báo Thủy quân Lục chiến Mỹ, đồng thời là một nhà phân tích quân sự độc lập cho hay.
Người đứng đầu Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Nga Viktor Bondarev cũng khẳng định, cuộc tấn công vào các cơ sở viễn thông, quân sự và năng lượng của Ukraine sau vụ nổ trên cầu Crimea đánh dấu giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga và Moscow sẽ hành động “thậm chí còn quyết đoán hơn”.
"Tôi không biết Ukraine nghĩ họ sẽ đạt được gì khi tấn công cầu Crimea. Tôi không biết liệu cảm giác đạt được thành quả này có đáng với cái giá của nó hay không. Đó là câu hỏi mà chỉ Ukraine có thể trả lời khi chúng ta đều biết về mức độ đáp trả đầy đủ mà họ phải đối mặt", ông Ritter cảnh báo.
Nhà phân tích này cũng chỉ ra rằng, tính đến thời điểm hiện tại, Nga chủ yếu giới hạn chiến dịch nhắm vào những mục tiêu quân sự của Ukraine.
Trong khi đó, ông Stevan Gajic, một nhà nghiên cứu tại viện Nghiên cứu châu Âu có trụ sở tại Belgrade, Serbia cho rằng, phương Tây đã "can dự nhằm chống lại Nga" khi "tất cả các nước Tây Âu và các thành viên NATO đều cung cấp hỗ trợ quân sự và vũ khí sát thương cho Ukraine".
Với việc chiến sự Ukraine sẽ bước sang giai đoạn kéo dài và khốc liệt hơn, ông Ritter cho rằng, mặc dù Ukraine khiến cuộc xung đột bước sang "cấp độ tiếp theo" khi tấn công cầu Crimea nhưng khả năng hiện tại của Nga vẫn vượt xa "bất kỳ thứ gì Ukraine có thể mang đến bàn đàm phán".
Còn theo nhà quan sát Matthew Crosston, giáo sư chính sách an ninh quốc gia và là chuyên gia nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Bowie, Maryland, các cuộc không kích ngày 10/10 đã giải đáp những đồn đoán của Mỹ và Ukraine trong những tuần gần đây rằng Nga có thể sẽ sử dụng tới vũ khí hạt nhân.
"Tổng thống Putin có nhiều lựa chọn, chứ không chỉ có vũ khí hạt nhân", chuyên gia này cho hay.
Phương Tây có duy trì được sự ủng hộ cho Ukraine về lâu dài?
Chiến dịch tiến công của Ukraine được quyết định bởi sự hỗ trợ của phương Tây. Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp lên Nga tiếp tục gây hiệu ứng ngược với nền kinh tế thế giới. Mùa đông phía trước sẽ thay đổi các điều kiện giao tranh trên thực địa và thời tiết giá lạnh sẽ nhắc nhở châu Âu về sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Nếu lạm phát tiếp tục và khủng hoảng năng lượng treo lơ lửng, liệu Mỹ và châu Âu có mệt mỏi vì cuộc xung đột ở Ukraine và giảm sự ủng hộ cho nước này?
Nhà nghiên cứu an ninh Kristine Berzina thuộc Quỹ Marshall Đức nhận định, việc phương Tây sẵn sàng cung cấp vũ khí sẽ phụ thuộc vào những thành quả của Ukraine trên chiến trường.
"Về sự hỗ trợ của phương Tây cho Kiev, giới quan sát có đủ lý do để tin rằng trong khi rõ ràng Mỹ sẽ không dừng hỗ trợ cho Ukraine thì mùa đông sắp tới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc ra quyết định của châu Âu. Dù trong bất kỳ trường hợp nào, các cuộc không kích sẽ gây ra khó khăn cho hệ thống năng lượng của Ukraine giữa bối cảnh mùa đông lạnh giá đang đến gần và Kiev sẽ không thể trông đợi rằng châu Âu hỗ trợ họ một cách đáng kể", chuyên gia quân sự tại Moscow Ivan Konovalov bình luận.
Trong khi đó, ông Paolo Raffone, giám đốc Quỹ CIPI, một think tank nghiên cứu các vấn đề địa chính trị có trụ sở tại Brussels đánh giá, các cuộc không kích ngày 10/10 là "phản ứng nhanh chóng" của Nga trước các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ nước này.
"Dự kiến, Ukraine sẽ ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn để tiếp tục các cuộc tấn công vào Donbass cũng như những nơi khác. Việc mất điện, thiếu năng lượng sẽ giảm khả năng tiến hành chiến dịch của Ukraine".
Nhà quan sát Raffone cũng cho rằng sự ủng hộ cho Ukraine đang suy giảm ở một số nước phương Tây với ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi đối thoại để chấm dứt xung đột và sự ủng hộ của công chúng cho Kiev tại những quốc gia này đang giảm dần, đặc biệt khi họ đối mặt với những khó khăn gia tăng về kinh tế.
Một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Data for Progress và viện Quincy Institute for Responsible Statecraft cho thấy, chỉ 6% người Mỹ coi cuộc xung đột ở Ukraine là một trong "3 vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ đối mặt hiện nay". Trên thực tế, cuộc xung đột ở Ukraine xếp sau lạm phát, kinh tế và nhiều vấn đề trong nước.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò dư luận khác ở 14 nước châu Âu và Bắc Mỹ từ Quỹ Marshall Đức thì cho thấy, tại Italy, Pháp và Canada, biến đổi khí hậu mới được coi là thách thức an ninh chủ yếu