Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn nền kinh tế từ đầu năm đến ngày 15/8 đạt 464,13 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 232,76 tỷ USD, tăng 17,67% so với cùng kỳ năm 2021, (tương đương tăng gần 35 tỷ USD); nhập khẩu đạt 231,37 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng 14,1 tỷ USD).
Cụ thể, nửa đầu tháng 8 (1-15/8), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 30 tỷ USD. Do đã xuất hiện một số dấu hiệu khó khăn về đơn hàng nên xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 8 kim ngạch giảm khoảng 7% tương đương 1,13 tỷ USD so với nửa cuối tháng 7/2022. đạt 15,13 tỷ USD.
Nửa đầu tháng 8 có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện (2,71 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (1,94 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,87 tỷ USD); dệt may (1,8 tỷ USD); giày dép (hơn 1 tỷ USD).
Chiều ngược lại, 15 ngày đầu tháng 8, nhập khẩu đạt 15,24 tỷ USD, tăng khoảng 7,8% so với nửa cuối tháng 7/2022 (tương đương tăng 1,1 tỷ USD).
Nhập khẩu có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 8 là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (3,5 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (1,97 tỷ USD).
Nửa đầu tháng 8, cán cân thương mại thâm hụt hơn 100 triệu USD, tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến 15/8 cả nước vẫn xuất siêu 1,39 tỷ USD.
Tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại thời gian gần đây. Điều này cũng được phản ánh qua sự chững lại trong các đơn đặt hàng ở hầu khắp các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số quản trị mua hàng PMI trong tháng 7 giảm nhẹ xuống 51 điểm. Các doanh nghiệp thay vì sản xuất các đơn hàng lẻ, ngắn hạn, nay phải hướng đến sản xuất theo chuỗi các lô hàng lớn.
Tỷ lệ lạm phát cao tại Mỹ, châu Âu, vốn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng hóa sản xuất từ Việt Nam thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, máy móc phụ tùng..., khiến người tiêu dùng vẫn đang phải vật lộn cắt giảm nhiều loại chi phí. Kinh tế Mỹ trong 2 quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm, khiến người dân Mỹ cảm thấy bất an và càng "thắt lưng buộc bụng" trong thời gian tới.
Kinh tế Nhật Bản đang có nguy cơ lao dốc vì dịch Covid-19 tái bùng phát. Trong khi đó, tiền lương của người lao động trong quý II, bao gồm cả yếu tố lạm phát, lại giảm 0,9% so với quý trước, điều này khiến người dân Nhật Bản càng hạn chế chi tiêu.
Nhu cầu của thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… giảm xuống sẽ tạo áp lực đối với lĩnh vực xuất khẩu tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.