Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết có 2 mức độ bệnh là sốt xuất huyết thể nhẹ và sốt xuất huyết thể nặng. Tùy vào từng mức độ sẽ có những biểu hiện khác nhau.
1. Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ
Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ. Các triệu chứng phổ biến nhất của sốt xuất huyết thể nhẹ bao gồm: Sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, đau xương, buồn nôn, đau xương khớp,…
Người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ kéo dài các triệu chứng từ 4 – 7 ngày. Nếu sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh được chăm sóc đúng cách có thể khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần kể từ khi sốt.
2. Triệu chứng sốt xuất huyết thể nặng
Khi bị sốt xuất huyết thể nặng người bệnh sẽ có các triệu chứng của thể nhẹ cộng thêm các triệu chứng
Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da.
Chảy máu mũi hoặc ở chân răng.
Nôi ói ra máu hoặc có máu trong phân (do xuất huyết nội tạng).
Nôn nhiều, đau bụng, chân tay lạnh ẩm.
Người mệt mỏi li bì, choáng.
Khi người bệnh không may chuyển biến sang sốt xuất huyết thể nặng cần được cấp cứu kịp thời, nếu trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng về sau.
Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà như thế nào?
Theo dõi thời gian ủ bệnh
Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, khi bệnh sốt xuất huyết ở người lớn thuộc thể nhẹ thì có thể chăm sóc tại nhà, cho bệnh nhân nghỉ ngơi và uống nhiều nước, sử dụng các món ăn mềm và có nước, dễ tiêu hóa, hạ sốt với Paracetamol, lau mát khi sốt cao.
Những biểu hiện nguy hiểm nhất của căn bệnh còn biểu hiện ở việc thời gian ủ bệnh. Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - trưởng khoa sốt xuất huyết bệnh viện Nhi đồng 1, triệu chứng của sốt xuất huyết thường bắt đầu khoảng 3 đến 14 ngày sau khi ủ bệnh như sốt cao kèm theo một số triệu chứng sau: nhức đầu, đau sau mắt, buồn nôn ói mửa, đau khớp, xương hoặc cơ, phát ban…
Trong khoảng 3-7 ngày sau khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh, cần theo dõi kỹ các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết có thể trở nặng. Đầu tiên, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm dần, lúc này tuyệt đối không chủ quan nghĩ rằng bệnh đang hồi phục vì có thể bệnh đang nghiêm trọng hơn. Qua đó, cần theo dõi sát sao người bệnh, nếu có các biểu hiện khác đi kèm như đau bụng, nôn mửa liên tục, chảy máu nướu răng, nôn ra máu, thở nhanh, tim đập nhanh, cảm giác bồn chồn, mệt đừ nhiều… là cảnh báo sốt xuất huyết nguy kịch, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Bổ sung nước thường xuyên
Đặc biệt với những trẻ sốt cao, khi trẻ được uống nước đủ thì nguy cơ diễn tiến nặng phải nhập viện ít hơn. Có thể uống từng ly nhỏ, uống nhiều lần trong ngày, tránh uống 1 lúc quá nhiều nước. Không sử dụng nước có gas, nước có màu đen hoặc đỏ, có thể dùng nước nước đun sôi để nguội, nước bù điện giải, nước trái cây, nước canh đều được.
Sử dụng các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều lần trong ngày, mỗi bữa một ít sẽ giúp dễ tiêu hơn mà vẫn bù năng lượng. Các thực phẩm có thể ăn như: cháo, soup, sữa. Các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…). Bên cạnh đó, cần kiêng những loại thức ăn nhiều mỡ béo, các thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì chúng thường gây khó tiêu.
Ăn các thức ăn dạng lỏng trong thời gian điều trị bệnh. Ảnh: Internet
Bổ sung các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa). Theo báo Sức khỏe và đời sống, có thể dùng 10-15 lá húng quế. Đun sôi trong nước rồi để nguội. Uống hỗn hợp này 3-5 lần một ngày tùy theo mức độ bệnh. Tiếp tục uống hai ngày nữa sau khi các triệu chứng thuyên giảm. Ngoài ra, có thể nghiền lá đu đủ, sau đó lọc chắt lấy nước uống cũng có tác dụng tốt.
Tắm rửa, vệ sinh: Theo đó, bệnh không kiêng cữ nước, chú ý lau người khi sốt cao và tái khám theo lịch hẹn.
Lưu ý một số cách phòng ngừa sốt xuất huyết
- Ngăn ngừa muỗi sinh sản: Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ được trứng. Thả cả hoặc con mê sô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng. vệ sinh các dụng cụ chứa nước nhỏ thường xuyên như: Xô, chậu, lu, khạp,… Phát quang vườn rậm và thu gom các vật dụng phế thải có thể chứa nước dễ chứa lăng quăng như chai, lọ mảnh chai, lon, vỏ dừa, bình đựng hoa cúng, bánh xe vứt bỏ,…
- Phòng muỗi đốt bằng các cách như: Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, ngủ trong mùng kể cả ban ngày. Xua đuổi muỗi vào nhà bằng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem xua đuổi muỗi, bắt muỗi bằng vợt điện muỗi,… Sử dụng rèm che cửa có tẩm hóa chất diệt muỗi. Phối hợp với chính quyền để phun đủ các đợt phun hóa chất diệt muỗi.
- Phòng lây lan dịch từ người bệnh: Không để người bệnh sốt xuất huyết bị muỗi cắn bằng cách cho người bệnh ngủ trong màn.