Thủ tướng Romania Ciuca bày tỏ sự mong đợi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu công nhận những gì Romania đã và đang làm kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, qua đó thể hiện nước này đã sẵn sàng trở thành một thành viên của Schengen. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng quan hệ giữa Nga và phương Tây sớm trở lại trạng thái bình thường như trước khi cuộc xung đột nổ ra và khẳng định, Điện Kremlin dường như đang tạo ra một vùng đệm giữa mình và NATO.
Thủ tướng Romania cho biết, cuộc xung đột của Nga đã tạo ra một rạn nứt trong mối quan hệ giữa phương Tây và phương Đông, giữa các quốc gia tự do, dân chủ và các chế độ chuyên quyền giống như thời điểm chiến tranh Lạnh và hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ cần duy trì sự hiện diện quân đội mở rộng ở biên giới phía đông của mình ít nhất là trong trung hạn.
Romania, một quốc gia với gần 19 triệu dân, gia nhập NATO vào năm 2004 và Liên minh châu Âu 3 năm sau đó, đã trở thành quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Ukraine sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào nước này. Romania có đường biên giới dài 624 km với Ukraine và cũng là đường biên giới dài nhất của EU.
Hiện tại, nước này đã gấp rút xây dựng lại đường sắt và sửa chữa các cảng để giúp hàng hóa xuất khẩu của Ukraine tránh được các điểm chiếm đóng và phong tỏa của Nga đối với các cảng ở Biển Đen, đồng thời cũng giúp cho hơn 1 triệu người tị nạn chạy qua biên giới để thoát khỏi cuộc xung đột. Tuy nhiên, ông cho rằng, các áp lực hiện nay của EU với Nga cần giảm xuống bởi các mối lo ngại khi EU tiếp tục gây áp lực lên Nga thông qua các lệnh trừng phạt và cung cấp vũ khí, viện trợ tài chính cho Ukraine có thể sẽ bị suy yếu vào mùa đông tới do khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Chính phủ của Thủ tướng Ciuca có kế hoạch nâng chi tiêu quốc phòng của Romania vượt quá giới hạn do NATO quy định lên tới 2,5% tổng GDP. Ông cho rằng, khoảng 1/3 số tiền đó sẽ dùng để mua vũ khí, bao gồm máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu hộ tống, xe bọc thép và máy bay không người lái.
Sau quyết định của NATO về việc tăng cường sự hiện diện của quân đội ở sườn phía đông, Romania hiện cũng tham gia tổ chức một nhóm chiến đấu đa quốc gia bao gồm quân đội Pháp, Bỉ, Hà Lan và Mỹ. Thủ tướng Romania cũng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược ngày càng cần được củng cố ở khu vực Biển Đen. Bởi lẽ, đó không chỉ là về quốc phòng mà là về an ninh lương thực toàn cầu. Thủ tướng Romania cho rằng, đây là một khu vực cũng rất gần với khu vực Balkan vì vậy tất cả những quyết định được thực hiện vừa qua đều nhằm tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ dọc theo toàn bộ sườn phía đông NATO