Đúng 7h ngày 3-8, thân nhân các gia đình có người tử nạn và đại diện chính quyền địa phương, Ban chỉ huy Quân sự huyện Quan Sơn và các đoàn thể đã đến dâng hương tưởng niệm những người đã khuất tại khu vực bia tưởng niệm.
Cơn lũ dữ sáng 3-8-2019 khiến anh Hà Văn Vân (32 tuổi) vĩnh viễn mất đi 6 người thân gồm bố, mẹ, chị gái, vợ và hai con nhỏ. Hôm nay, sau khi thắp hương ở bia tưởng niệm các nạn nhân xấu số, anh ngồi bần thần rất lâu, khuôn mặt nặng trĩu u buồn.
Hướng vào nơi chôn cất thi hài người con gái Vi Thị Sống và hai cháu ngoại ở phía sau rặng cậy, bà Phạm Thị Loan khóc nức nở tưởng nhớ người thân.
Sau khi dâng hương, đoàn cán bộ đại diện chính quyền địa phương xã Na Mèo đã đến từng hộ gia đình có người bị nạn thăm hỏi, tặng quà.
Anh Ngân Văn Thiện (bìa phải) có bố và mẹ bị thiệt mạng trong tận lũ lịch sử năm đó. Anh Thiện cho hay, người Thái ở Sa Ná chỉ làm giỗ lớn nhất vào dịp đầy năm, còn những năm sau chỉ thắp hương tưởng nhớ người đã khuất, họ cũng không bốc mộ như người miền xuôi.
Sau trận lũ, bản Sa Ná được tái thiết bằng nguồn vốn ngân sách và hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Một phần quả đồi Pom Ngô (cách bản cũ gần 1km) rộng 2,8ha được sử dụng làm nơi tái định cư cho 51 hộ dân bị ảnh hưởng.
19 ngôi nhà cấp 4 và 32 căn nhà sàn truyền thống mới được dựng khang trang. Bên cạnh được bố trí hai điểm trường Mầm non, Tiểu học và nhà văn hoá cộng đồng.
Sa Ná hiện trở thành một trong số ít bản về đích nông thôn mới đầu tiên ở huyện biên giới Quan Sơn. “Cuộc sống bà con dân bản có nhiều đổi thay, kinh thế khấm khá hơn trước”, ông Ngân Văn Kẻm, Trưởng bản Sa Ná cho biết.
Tại vị trí bản làng cũ ven suối Son, dân làng cải tạo trồng lúa và rau màu.
Chị Phạm Thị Tư (30 tuổi) đang làm cỏ lạc trên phần đất hơn 80m2 mới được chia sau khi lũ quét sạch nhà cửa.
Nhiều hộ gia đình phát triển chăn nuôi, vừa buôn bán, trồng trọt nên đời sống bắt đầu ổn định.
Ông Ngân Văn Tiến (69 tuổi) cho hay, sau khi căn nhà cũ bị lũ cuốn, ông bà được hỗ trợ xây cất căn nhà mới, số vốn dành dụm được từ các nhà hảo tâm ủng hộ, ông tìm mua giống nhím, thỏ, ếch để chăn nuôi kiếm thêm thu nhập ngoài cấy lúa và trồng rừng.
Ngoài khu tái định cư, tuyến đường bê tông dài hơn 3km từ đầu quốc lộ 217 cũng được xây dựng giúp người dân Sa Ná đi lại thuận lợi hơn, trẻ em không lo cảnh phải nghỉ học khi mùa lũ tới.
Trong ảnh là cây cầu bê tông kiên cố bắc qua sông Luồng ở vị trí giao với hạ nguồn suối Son, cách trung tâm bản Sa Ná gần 2km.
Về Sa Ná hôm nay để thấy được sự đổi thay kỳ diệu. Khác với sự tan hoang, đổ nát sau cơn lũ đi qua vào tháng 8-2019, Sa Ná ngày hôm nay đã thực sự “hồi sinh” và đã trở thành bản Nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Thanh Hóa.