Đưa khách xem những bức ảnh do mình chụp cây lộc vừng mấy chục năm nay, kiến trúc sư (KTS) Đoàn Đức Thành, 73 tuổi ở Hà Nội, ví von: “Hồ Gươm như lẵng hoa của Hà Nội mà nơi đẹp nhất trên lẵng hoa ấy là cây lộc vừng, đặc biệt là cây lộc vừng chín gốc”.
Cảm xúc mùa thu
Nhiếp ảnh gia Hà Tường thì khẳng định: “Nói đến phong cảnh hồ Gươm, phải có cây lộc vừng chín gốc và tháp Rùa. Lộc vừng chỉ đẹp khi gắn với hồ Gươm, tháp Rùa. Những năm xưa, người ta chưa để ý cây lộc vừng chín gốc vì mải làm ăn, đất nước cũng chưa thống nhất. Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều người từ Nam chí Bắc đến đây đều thích cây lộc vừng”.
“Có lẽ lộc vừng hồ Gươm là cây dành riêng cho giới nhiếp ảnh. Hôm nào có sương mù là cụ Ninh (nhiếp ảnh gia Võ An Ninh - PV) lại đạp xe lên nhà anh Hà Tường ở phố Tô Tịch rồi mấy ông cháu lững thững ra hồ Gươm chụp ảnh” - KTS Đoàn Đức Thành kể.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường (70 tuổi) nhớ lại: “Ngày ấy không có điện thoại di động. Trước khi đi chụp ảnh, hôm trước cụ đã đến nhà dặn: sáng mai bác cháu mình đi sớm, sợ sáng ra người ta quét mất lá. Nghe vậy là tôi biết cụ đã quan sát cây lộc vừng rất kỹ, biết ngày nào cây sẽ rụng lá. 5h30 sáng đã thấy cụ lạch cạch đạp xe đến, ngồi vuốt râu trên cái ghế là khúc gỗ mấy ông thợ hàn, thợ tiện hay ngồi làm. Hai ông cháu đi ăn sáng, uống nước chè rồi bách bộ ra phía cây lộc vừng chín gốc”.
Ngày ấy, người chụp ảnh ở hồ Gươm thường chỉ có dân nhiếp ảnh. Máy ảnh không phải là vật dụng phổ biến, thông dụng và đa dạng như bây giờ. Gắn bó với máy ảnh đã 40 năm, và cũng ngần ấy năm lặng lẽ, ông Tường cùng cây lộc vừng chứng kiến biết bao đổi thay của cuộc sống. Những cây cổ thụ một thời từng làm bạn với cây lộc vừng như cây liễu, sung, vông, gạo... đều bị mục, bị gãy, bị đổ hết.
“Bây giờ lộc vừng tàn tạ, cành gãy nhiều - ông Hà Tường khẽ thở dài bảo - Người ta trồng nhiều cây khác xung quanh làm phá cảnh quan của cây lộc vừng. Hồi trước chỉ có cây lộc vừng và đất. Dưới gốc cây chưa xây xát gì hết. Mùa hoa đỏ hết đất. Ngày xưa chúng tôi hay đánh đố nhau xem ai chụp một lúc được chín gốc cây. Tôi thử bao nhiêu lần cũng không đạt, chỉ được tám gốc rưỡi. Một gốc phải giải thích mới biết đó là gốc vì cứ gốc này che gốc kia”.
Trong đêm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/10/2010), vì ham leo lên xem pháo hoa người ta đã làm gãy một cành của cây lộc vừng chín gốc. Cành gãy chính là cành mà cụ Võ An Ninh đã dựa vào trong bức ảnh Cảm xúc mùa thu (nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường chụp). Mấy ngày sau khi cành lộc vừng gãy, người nghệ sĩ nhiếp ảnh lớn của VN ra đi khi đã ngoài 100 tuổi. Bức ảnh có tên Cảm xúc mùa thu ấy đã được giải cao tại một cuộc triển lãm.
Với nhiếp ảnh gia Hà Tường, giải thưởng ấy không quan trọng - đến nỗi ông còn không nhớ ảnh đoạt giải trong triển lãm gì, năm nào. Nhưng ông không thể quên bức ảnh đầy cảm xúc, đầy kỷ niệm khi chụp một ông cụ râu tóc bạc phơ, thần thái rất điềm đạm, thanh thản đứng bên gốc cây nhìn lá rụng trải dài, phía sau là đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc...
Ông Hà Tường nói: “Khi còn sống, cụ Ninh bảo lúc cụ còn ít tuổi đã thấy cây lộc vừng chín gốc”. Ông Thành thì phỏng đoán: “Có thể cây đã được trồng từ năm 1886, khi người Pháp quy hoạch xây dựng khu vực quanh hồ Gươm. Những công nhân người Việt có thể do ý thức đã tìm những cây đẹp ở VN để trồng: si, đa, gạo, liễu, lộc vừng...”.
“Cây chín gốc”
“Hơn 50 năm trước, khi ấy Hà Nội còn ít người, nhà tôi còn ở phố Cầu Gỗ. Hầu như chiều nào tôi cũng cùng mấy người bạn ở phố Hàng Bạc, Cầu Gỗ, Hàng Bè rủ nhau ra chơi ở gốc cây lộc vừng ấy” - bà Vũ Thái Hòa (63 tuổi), nhớ về ngày xa xưa của hơn nửa thế kỷ trước.
Trẻ con Hà Nội thuở ấy không có nhiều đồ chơi như bây giờ. Cây lộc vừng chín gốc như một “công viên thu nhỏ”, là điểm hẹn hò, tụ tập rất thường xuyên của cô bé Hòa và các bạn trong khu phố hay trong lớp. Đám trẻ gọi thân thương là “cây chín gốc” hay “cô Chín”.
Dưới tán cây lộc vừng chín gốc ấy, tuổi thơ của bà Hòa và nhiều người sinh ra ở Hà Nội là những trò leo trèo, lấy chỉ xâu hoa lộc vừng lại làm thành vòng cổ, đội lên đầu. Có khi cả lớp cô bé Hòa ngày ấy kéo nhau ra gốc lộc vừng chơi. Dưới gốc là một thảm hoa đỏ rực rỡ.
“Mỗi đứa mang theo kim, chỉ, tranh nhau nhặt hoa đỏ rực trên mặt đất, kết vòng hoa thi xem ai làm nhanh nhất, đẹp nhất. Đám trẻ bây giờ có khi không biết cây lộc vừng là gì vì chúng có quá nhiều thứ để chơi” - bà Hòa tiếc nuối.
Đám trẻ nghĩ ra đủ thứ trò ngộ nghĩnh: chơi trò xếp hàng bò lên cành cây cho thật nhanh rồi bò ra tận cành sà xuống gần mặt hồ, khỏa chân xuống dòng nước hồ mát lạnh. Chán chê lại lội xuống nước chỉ tới đầu gối rồi lại đu với lên những cành khác, bò vào cho người khác đi ra. Những trò chơi trẻ thơ như chơi ù, hái hoa, vớt cá bột dưới hồ cho vào gáo mang về nhà chơi, cùng nhau tụm lại đọc truyện cổ tích... đẫm màu sắc thần tiên đã đi qua những năm tháng học trò của cô bé Hòa dưới tán cây lộc vừng chín gốc này.
Và với nhiếp ảnh gia Hà Tường, những trò chơi đáng yêu ấy là những ký ức không thể quên sau 40 năm dâu bể. Ông kể: “Cây lộc vừng có một nhánh lả xuống hồ, đám trẻ con chúng tôi 9-10 đứa cứ trèo ra dập dình chán chê rồi nhảy xuống hồ tắm. Ngày ấy còn có ông cảnh binh, đội xếp làm nhiệm vụ bắt trẻ con trèo cây, tắm dưới hồ”.
Buổi tối, quanh gốc lộc vừng, người ta bày những hàng quán có ghế bố. Đám học trò lại tụ tập từng tốp 4-5 người tụm lại uống nước, rúc rích trò chuyện. “Khi ấy tôi đang học lớp 3, lớp 4. Nước uống rất rẻ. Nước chè chỉ 5 xu một cốc. Nước ngọt chỉ độ 1 hào một chai nước ngọt. Nước ngọt ngày ấy ít loại lắm, chỉ có nước chanh, cam, soda chứ không nhiều hoa cả mắt như bây giờ” - bà Hòa kể.
Những hình ảnh đó đã mãi mãi là ký ức. Hồ Gươm bây giờ hiện đại hơn, khang trang hơn. Nhưng dường như những người yêu hồ Gươm, yêu cây lộc vừng vẫn không nguôi nỗi khắc khoải.
“Giới trẻ bây giờ không tôn trọng cây lộc vừng lắm - KTS Đoàn Đức Thành nói - Chúng cứ ngả nghiêng, ôm ấp còn người già chúng tôi thì chỉ ngồi trầm tư chiêm nghiệm hoặc tâm sự. Cây lộc vừng đã như người bạn thân thiết với lớp già chúng tôi vậy”.