Giá sắt thép, xi măng, cát... tăng cao ảnh hưởng lớn đến tiến độ của các dự án, nhiều nhà thầu càng làm càng lỗ nên chờ đợi hoặc thậm chí bỏ thầu để “cắt lỗ”.
Theo một nhà thầu đang thi công dự án nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá xăng, dầu tăng liên tục khiến chi phí thực hiện gói thầu đã tăng đến 30% giá trị hợp đồng. Ngoài ra, giá sắt thép, xi măng tăng 60% kể từ thời điểm bỏ thầu khiến doanh nghiệp phải bù lỗ cả tỷ đồng. Được biết, đơn vị này đang đề nghị chủ đầu tư xem xét để được bù giá.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện có một số dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp đang bị chậm tiến độ vì “bão giá” vật tư. Đa số đều là các gói thầu đang được triển khai nhưng nhà thầu thực hiện chậm, vừa làm vừa nghe ngóng. Có gói thầu đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán được vì nhà thầu đề nghị tăng giá theo thị trường. Tuy nhiên, chủ yếu dự án đều là hợp đồng trọn gói, nên các đơn vị trúng thầu phải thực hiện theo giá dự thầu từ ban đầu.
Tại huyện Mê Linh, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện đang là chủ đầu tư của hơn chục dự án đầu tư công. Đa số các dự án vẫn triển khai bình thường bởi đã đấu thầu thì bắt buộc phải làm nhưng các nhà thầu kêu rất nhiều. “Thông báo giá dù có nhưng không thể bắt kịp giá thị trường, đối với những thiết bị không có trong báo giá, huyện cũng đã thẩm định chắc chắn dựa trên so sánh với giá thị trường”, đại diện Ban Quản lý dự án huyện nêu.
Đề xuất điều chỉnh giá vật tư
Trao đổi với PV Báo , đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, vừa qua, Sở đã báo cáo Thường trực Thành ủy và UBND thành phố cũng có buổi làm việc với Bộ Xây dựng về vấn đề này. Trong đó, thành phố đã kiến nghị một số nội dung với Bộ Xây dựng liên quan đến công bố giá vật liệu.
Theo nhận định của vị này, để thực hiện điều chỉnh giá đã đấu thầu không dễ, bởi phải điều chỉnh Luật Đấu thầu. Theo quy định, để điều chỉnh giá chỉ có các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh... không có trường hợp biến động thị trường.
Đối với các dự án sắp thực hiện đấu thầu trong thời gian tới, đại diện Sở Xây dựng cho rằng, các dự án sẽ bị kéo dài thời gian bởi dự án đã phê duyệt rồi lại phải điều chỉnh để tăng tổng mức đầu tư.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng: Để gỡ vướng cho các nhà thầu thi công dự án đầu tư công, Chính phủ cần ban hành một giải pháp tình huống cho phép bù giá cho nhà thầu thi công để đạt được mục tiêu kích cầu đầu tư công, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế. Thực tế, năm 2008, khi giá cả biến động mạnh, lạm phát tăng cao, Chính phủ cũng đã ban hành giải pháp bù giá cho các công trình xây dựng. “Vì nếu để nhà thầu xây dựng bỏ cuộc sẽ ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng các dự án đầu tư công, nền kinh tế không hồi phục như kỳ vọng, tác hại sẽ lớn hơn nhiều. Vì vậy, Nhà nước đã phải chấp nhận rút hầu bao để hỗ trợ các nhà thầu tiếp tục thi công các công trình, dự án”, ông Hùng nói.