Về ấp Tân Hòa C (xã Tân An, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), hỏi bà Đặng Thị Thuận hầu như ai cũng biết. Cả cuộc đời bà gần như gắn liền với từng gánh bắp, rồi đỡ vất vả hơn là chiếc xe đẩy đi bán bắp dạo.
Chồng mất sớm, một mình bà Thuận gồng gánh cả gia đình có đến 8 người con. Qua bao năm tháng, số tiền ít ỏi từ gánh bắp của bà cũng giúp các con dần khôn lớn, mỗi người lại đi mỗi nơi để tìm kế sinh nhai. Có người may mắn lập gia đình hạnh phúc dù cuộc sống khá chật vật, nhưng cũng có đứa không may, hôn nhân sớm tan vỡ, gia đình ly tán.
Lúc bấy giờ, bà Thuận lại “làm mẹ một lần nữa”, lại mở rộng vòng tay chăm lo cho các cháu. Suốt nhiều năm nay, bà đã cố gắng nuôi được cô cháu gái 10 tuổi khi cha mẹ cháu đều lập gia đình riêng và làm ăn xa, rồi bà lại bảo bọc thêm 2 đứa cháu trai, một đứa 23 tuổi không thấy gì và một đứa 28 tuổi đầu óc không bình thường.
“Các cháu nhỏ đã thiếu thốn tình thương cha mẹ nên tôi cố gắng đỡ đần chăm lo. Bao năm nay, dù có lúc không khỏe, đau bệnh lặt vặt nhưng tôi cũng không dám nghỉ ngơi ngày nào, sợ các cháu không có cái ăn, không đủ tiền uống thuốc. Dù tôi đã cố gắng nhưng đến nay đã bước vào cái tuổi 72, đôi chân đã mỏi nhừ không thể đẩy xe đi bán, chỉ có thể luộc bắp ngồi bán trước nhà, đôi mắt cũng chỉ còn thấy lem nhem vì bị cườm nhiều năm mà không có tiền đi mổ. Tôi không có mong ước gì hơn là có được sức khỏe ngày nào là còn chăm lo cho con cháu ngày đó”.
Trưởng Ban nhân dân ấp Tân Hòa C Phạm Thị Cẩm Tú thông tin: “Hoàn cảnh gia đình bà Thuận rất đáng thương. Một mình bà là lao động chính kiếm tiền tự lo cho bản thân và chăm sóc các cháu khuyết tật. Gần đây, khi hay tin bà bị đau thắt ruột phải nhập viện, Ban nhân dân ấp đã vận động những tấm lòng nhân ái giúp đỡ viện phí cho bà.
Sau đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân An đã dùng số tiền đổi từ thu gom rác thải nhựa dành tặng cho bà một thẻ bảo hiểm y tế để bà giảm bớt chi phí chữa bệnh. Sức khỏe của bà vẫn chưa được cải thiện, việc buôn bán ở quê ngày càng ế ẩm nên cuộc sống gia đình càng khó khăn. Trước mắt, địa phương hỗ trợ gạo, còn chi phí điều trị bệnh lâu dài và chăm lo cho các cháu vẫn cần lắm sự chung tay giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm gần xa”.
Bà Nguyễn Thị Thảo
Tại tổ 13, ấp Tân Phú B (xã Tân An, TX. Tân Châu), hoàn cảnh bà Nguyễn Thị Thảo cũng rất đáng thương. Chồng bà mất từ ngày còn trẻ, đứa con duy nhất cũng vắn số. Từ đó, bà Thảo sống một thân một mình, lấy việc lao động làm niềm vui. Những gia đình quanh xóm thuê gì bà đều làm nấy, từ đi chặt mía đến làm cỏ lúa, thu hoạch vật nuôi. Đến nay, khi đã bước vào tuổi 60, bà không còn đủ sức đảm đương công việc làm mướn nên chuyển sang đi bán vé số.
“Mấy năm nay, tôi chịu khó đi bán vé số dạo quanh xóm, rồi có hôm ế ẩm đành đi xa hơn một chút. Những lúc phơi mình ngoài nắng nhiều giờ tôi lại lên cơn mệt mỏi vì những triệu chứng của căn bệnh tiểu đường và khớp, mãi đến khi có được chiếc xe đạp, việc đi bán của tôi mới nhẹ nhàng hơn chút ít” - bà Thảo chia sẻ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân An Lương Thị Kim Ngân thông tin thêm: “Bà Thảo là hộ nghèo của địa phương nhiều năm nay. Mặc dù bà đã cố gắng lao động nhưng vẫn khó khăn, nguyên do căn bệnh tiểu đường và khớp mỗi ngày càng nặng hơn. Từ nguồn kinh phí vận động của địa phương, của chị em phụ nữ, chúng tôi thường xuyên đến thăm và tặng gạo, nhu yếu phẩm để đỡ đần bà, giúp bà giảm bớt khó khăn. Thế nhưng, với chi phí cho những lần đi tái khám và lãnh thuốc, rất mong có thêm sự chia sẻ từ những nhà hảo tâm trong cộng đồng”.