Theo chị Trang, khi siêu âm, bác sĩ phát hiện hình ảnh 2 bóng hơi. Chị hết sức lo lắng không biết con chị có bị bệnh nguy hiểm gì không?
Bác sĩ Hồng Quý Quân, khoa phẫu thuật nhi, bệnh viện Việt Đức cho biết: Tắc tá tràng bẩm sinh là loại dị tật chẩn đoán được trong thời kỳ thai nhi. Tắc tá tràng bẩm sinh là sự bít tắc hoàn toàn hoặc một phần tá tràng. Tá tràng là đoạn đầu của ruột non nhận thức ăn từ dạ dày đi xuống, có dạng cong chữ U, ở người, dài khoảng 30 cm.
Nguyên nhân tắc tá tràng do màng ngăn, teo tá tràng, rối loạn quay của ruột…Tỉ lệ tắc tá tràng từ 1/5000 đến 1/10000 trẻ sinh ra. Có một tỉ lệ cao mắc các dị tật kết hợp hội chứng Down, tim bẩm sinh, teo thực quản, dị tật đường tiết niệu…
Kết quả mổ chữa bệnh này hiện có tỉ lệ thành công cao. Chỉ tử vong sau mổ khi bệnh nhân có kèm theo các dị tật nặng phối hợp.
Dị tật tắc tá tràng bẩm sinh có thể được chẩn đoán nhờ siêu âm trước sinh vào 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh từ khi trẻ còn trong bụng phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn của bác sĩ và trang thiết bị siêu âm.
Khi được chẩn đoán bệnh sớm, các bà mẹ có thể được chuẩn bị tâm lý để tiến hành phẫu thuật sớm cho trẻ ngay sau khi ra đời. Việc này rất cần thiết vì phẫu thuật sớm tránh cho trẻ bị rối loạn nước và điện giải do nôn nhiều, mắc bệnh viêm phổi, hậu quả có thể dẫn tới tử vong.
Từ tháng 5/2004 đến 5/2011, khoa phẫu thuật nhi, bệnh viện Việt Đức đã xử lý 41 bệnh nhân (26 bệnh nhân nam, 15 bệnh nhân nữ) mắc dị tật bẩm sinh này. Trong số đó, 23 trẻ được chẩn đoán sớm trước 48 giờ sau khi biểu hiện bệnh, 18 trẻ chẩn đoán muộn sau 48 giờ biểu hiện bệnh.
Bác sĩ Quân cho biết: “Tuy việc chẩn đoán sớm tắc tá tràng bẩm sinh là đơn giản nhưng cũng có một số trường hợp trẻ đến với chúng tôi muộn, biểu hiện mất nước nặng”.
Trường hợp bé T là một ví dụ. Sau sinh được 2 ngày bé nôn nhiều dịch vàng xanh, chậm tiêu phân xu, bụng chướng. Chụp X quang bụng của bé cho thấy có hình ảnh bóng đôi ở bụng do tá tràng bị tắc, dạ dày và tá tràng chướng hơi của bé nuốt vào. Sau đó, bé đã được mổ và kết quả là tá tràng của bé bị teo, phải cắt và nối 2 đầu tá tràng lại với nhau.
Cùng với tiến bộ của gây mê hồi sức nhi khoa, tiến bộ của các phương pháp phẫu thuật, chăm sóc nên tỉ lệ trẻ tử vong do tắc tá tràng bẩm sinh giảm tử mức 45% năm 1977 xuống còn 7% năm 1993, 4% năm 1998.
Hiện, khoa phẫu thuật Nhi, bệnh viện Việt Đức phối hợp chặt chẽ với Trung tâm chẩn đoán trước sinh, bệnh viện phụ sản Trung ương trong việc điều trị bệnh này.
Tỉ lệ chẩn đoán trước sinh chính xác về căn bệnh này được Trung tâm chẩn đoán trước sinh, bệnh viện phụ sản Trung ương chẩn đoán với tỉ lệ lớn chiếm 95% bệnh nhân. Các bệnh nhân đều được phẫu thuật tại viện Việt Đức từ 2004 đến năm 2011.
Với những trẻ bị bệnh tắc tá tràng bẩm sinh, việc phẫu thuật điều trị phụ thuộc vào vị trí và nguyên nhân tắc.