Theo thống kê của Khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, hiện đã có 143 trẻ em bị bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị. Con số này tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo BS. Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trường Khoa Nhi, trung bình mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận 3 - 4 ca, cao điểm là 10 ca tay chân miệng. Trong đó, gần một nửa là ở tình trạng nặng. Trong khi đó, thời điểm này năm ngoái, hoàn toàn không có ca bệnh tay chân miệng nào.
Có mặt tại Khoa Nhi sáng ngày 27/2, hàng chục phụ huynh khuôn mặt ủ rũ, lo lắng xếp hàng dài chờ đợi con em mình đến lượt khám. Anh Nguyễn Thanh Viên (27 tuổi, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) đưa con trai 1 tuổi lên khám lo lắng bày tỏ: “Cháu bị phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và ở miệng gần 3 ngày nay. Vợ chồng tôi tất tả vượt hàng chục cây số mang cháu từ Krông Búk về đây và được bác sĩ cho biết bị bệnh tay chân miệng”.
“Cháu nó bị sốt cao, ho liên tục, mấy ngày nay biếng ăn. Đến đây khám mới biết cháu bị bệnh tay chân miệng”, chị Nguyễn Thị Nhung (33 tuổi, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) cho hay.
Các bậc cha mẹ tỏ ra khá lo lắng với tình hình bệnh tật của con
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn cho biết hiện chưa ghi nhận trường hợp nào trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên Bác sĩ Tuấn khuyến cáo các ông bố bà mẹ khi phát hiện con trẻ có dấu hiệu chán ăn, loét lở trong miệng, xuất hiện nốt phỏng nước ở bàn tay, chân (có thể ở mông, đầu gối); trẻ có thể sốt hoặc chán ăn cần giữ vệ sinh, tăng dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, cách ly trẻ trong vòng 10 ngày. Khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục, giật mình, run chi, khó thở cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.