Vượt khó đi lên
Chứng kiến diện mạo khang trang, bề thế của Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông hiện nay, ít ai biết rằng nhà trường từng có thời gian vất vả khi “ăn nhờ, ở đậu”, dạy và học tạm bợ tại Trường THPT Trần Quý Cáp (Hội An).
Khi mới thành lập, trường có tên là THPT chuyên Bắc Quảng Nam với kỳ vọng đầu tư ngôi trường chuyên thứ hai của tỉnh đủ tầm vóc để thu hút, đào tạo học sinh (HS) tài năng ở các địa phương phía bắc bên cạnh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đóng tại Tam Kỳ đã ra đời trước đó 10 năm.
Những khó khăn ban đầu, từ ý tưởng sáp nhập hai trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam, THPT Trần Quý Cáp và đổi tên thành Trường THPT chuyên Trần Quý Cáp không thành, đến việc loay hoay lựa chọn địa điểm mới để xây dựng trường, cuối cùng cũng vượt qua. Tên trường cũng được thay đổi, lấy tên vị vua anh minh, tài đức Lê Thánh Tông - người khai sinh danh xưng Quảng Nam.
Qua 10 năm (2012 - 2022) thành lập, đã có gần 3.000 HS tốt nghiệp THPT từ mái trường THPT chuyên Lê Thánh Tông. Phần lớn trong số đó tiếp tục học đại học và cao hơn, trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, doanh nhân, nhà giáo xuất sắc; đáng chú ý có nhiều cựu HS sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm loại xuất sắc quay về trường cùng với thầy cô giáo cũ tiếp tục xây dựng nhà trường phát triển. Với thành tích đạt được, nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc.
Khó khăn dần qua đi theo năm tháng. Nhờ cơ chế riêng biệt dành cho trường chuyên của tỉnh, đến nay Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông đã được đầu tư xây dựng mới với cơ ngơi bề thế vào hàng tốt nhất tỉnh trên diện tích hơn 26.000m2 tại phường Thanh Hà (Hội An).
Các dãy phòng học, khu thí nghiệm thực hành, thư viện đến khu giáo dục thể chất, nhà đa năng, bể bơi, khu nội trú, không gian đọc sách, cảnh quan sư phạm đều được đầu tư khang trang, đầy đủ tiện nghi, phục vụ tốt nhất cho các hoạt động dạy và học.
Không chỉ cải thiện nhanh chóng về điều kiện cơ sở vật chất, chỉ trong vòng 10 năm, chất lượng đội ngũ của trường cũng được nâng lên đáng kể.
Hiện nhà trường sở hữu đội ngũ có trình độ chuyên môn cao với 2 tiến sĩ và 41 thạc sĩ, 6 người đang học cao học trong tổng số 72 cán bộ quản lý, giáo viên.
Các thầy cô giáo dành nhiều tâm huyết đầu tư soạn chuyên đề bồi dưỡng HS giỏi, tham gia viết sách, tài liệu tham khảo, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy.
Với nỗ lực của thầy và trò, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông chỉ sau 10 năm thành lập nhanh chóng trở thành một trong số ít đơn vị được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 2, đạt kiểm định chất lượng mức 3.
Niềm vui của thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông và chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm khi được UBND tỉnh khen thưởng thành tích xuất sắc thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021. Ảnh: PHÚ-VINH
Lấp lánh bảng vàng
Theo Hiệu trưởng Lê Thành Vinh, với tính chất đặc thù của trường THPT chuyên là phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HS giỏi, tạo nguồn cho chiến lược bồi dưỡng nhân tài, công tác đào tạo chất lượng mũi nhọn được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Vì thế, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phù hợp nhằm thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng HS; tổ chức biên soạn chương trình chuyên sâu giảng dạy các môn chuyên, lựa chọn một số chương trình, tài liệu dạy học tiên tiến của nước ngoài để tham khảo, vận dụng.
Hàng năm, ngoài việc dự thi HS giỏi quốc gia, nhà trường còn tạo điều kiện cho HS tham gia các kỳ thi khu vực, Olympic; qua đó giúp các em cọ xát, trải nghiệm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm bổ ích.
Chất lượng giáo dục, nhất là mũi nhọn ngày càng nâng cao. Ảnh: Phú-Vinh
Với cách làm đó, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông bước đầu định vị được tên tuổi của mình tại sân chơi HS giỏi quốc gia, khu vực.
Trong 10 năm qua, nhà trường đạt 94 giải HS giỏi quốc gia về các môn văn hóa, khoa học kỹ thuật, tin học trẻ; có 4 em lọt vào vòng 2 chọn đội tuyển thi quốc tế; 281 huy chương Olympic truyền thống 30/4; 124 giải Olympic khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc bộ; 23 giải tại kỳ thi giải Toán bằng tiếng Anh do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức...
Hơn 550 năm kể từ ngày vua Lê Thánh Tông đặt danh xưng Quảng Nam cho vùng đất “Ngũ phụng tề phi”. Và ngôi trường vinh dự mang tên bậc minh quân ấy đã và đang nỗ lực hết mình, góp phần đào tạo ra những hiền tài cho đất nước và làm rạng danh cho quê hương xứ Quảng.
“Rất đỗi tự hào về thành tích đạt được trong 10 năm, thời gian tới, nhà trường tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của một đơn vị chủ lực trong phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi, HS năng khiếu.
Hoạt động dựa trên nguyên tắc bảo đảm nền tảng giáo dục toàn diện, tinh hoa của đại chúng, phát triển hài hòa đức - trí - thể - mỹ nhằm phát huy tối đa năng lực tiềm ẩn của mỗi HS, nhà trường quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục mà ở đó HS tìm đến thực hiện ước mơ, hoài bão của mình” - thầy Lê Thành Vinh chia sẻ.
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường: Trường chuyên phải làm những điều mà trường THPT khác không làm được
“Tôi được biết Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông khi mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn; các thầy cô giáo chưa có nhiều kinh nghiệm trong cung cách quản lý, dạy học trường chuyên.
Qua 10 năm xây dựng và phát triển, hiện trường có diện mạo mới, tầm vóc mới với nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, cung cách quản lý chuyên nghiệp, đặc biệt chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên.
Nhiều em đạt thành tích xuất sắc, mang về giải cao trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia, tuyển sinh đại học, đạt học bổng du học. Thay mặt lãnh đạo ngành GD-ĐT, tôi đánh giá cao và ghi nhận thành quả mà thầy trò nhà trường đạt được trong 10 năm qua.
Những thành quả, kinh nghiệm trong quá trình phát triển là bài học, động lực để nhà trường tiếp tục phát triển toàn diện, phải tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chất lượng, nhất là chất lượng mũi nhọn. Trường cũng phải đổi mới hoạt động giáo dục theo phương châm chuyên nhưng không lệch.
Bên cạnh giáo dục chất lượng mũi nhọn, trường chuyên phải thực hiện cho được giáo dục toàn diện tri thức, kỹ năng, nhân cách. Trường chuyên phải là môi trường nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, đam mê sáng tạo, khát vọng cống hiến, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, phải làm những điều mà trường THPT khác không làm được”.
Ông Nguyễn Tấn Thắng - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT (giai đoạn 2005 - 2014): Vượt xa sự mong đợi
“Cùng với Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, việc thành lập Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông là “mảnh ghép thứ hai” để HS giỏi, xuất sắc trên địa bàn tỉnh có cơ hội học tập; đồng thời giải quyết bài toán mất cân đối khi rất ít HS ở các địa phương phía bắc của tỉnh vào học Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (giai đoạn 2002 - 2012 trường đào tạo 1.852 HS nhưng các huyện phía bắc gồm Duy Xuyên chỉ có 8 HS, Điện Bàn 8, Đại Lộc 5, Hội An không có em nào).
Quan điểm của ngành lúc đó tham mưu cho tỉnh và được lãnh đạo tỉnh đồng ý chọn Trường THPT Trần Quý Cáp (Hội An) để đặt trường chuyên.
Theo đề án thành lập Trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam lúc bấy giờ, năm học 2012 - 2013 bắt đầu tuyển sinh lớp 10 chuyên, cùng với đó hàng năm không tuyển sinh lớp 10 cho Trường THPT Trần Quý Cáp.
Lộ trình được tiến hành 3 năm liên tục để đến năm học 2014 - 2015 khi HS lớp 12 Trường THPT Trần Quý Cáp tốt nghiệp ra trường thì đổi tên thành Trường THPT chuyên Trần Quý Cáp.
Nhưng cuối cùng việc thực hiện không thành, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông xây dựng tại địa điểm mới. Tuy nhiên, sau 10 năm thành tích đạt được vượt xa sự mong đợi ban đầu, dần khẳng định vị thế mới trong hệ thống trường THPT của tỉnh.
Tôi nghĩ đây là những “vốn” ban đầu cần thiết, đặt nền móng vững chắc cho Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông khởi sắc và phát triển vượt trội trong thời gian không xa”.