Trước hết, các ngành liên quan, các địa phương đều quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân về phòng chống SDD ở trẻ em, nhất là với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2021, toàn tỉnh thực hiện 2.850 buổi truyền thông, giáo dục phòng chống SDD trên đài phát thanh xã, phường, thị trấn, thôn, bản; thực hiện 177 buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn hướng dẫn chế độ ăn cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai tại 177 trạm y tế tuyến xã. Các địa phương cũng đã triển khai kế hoạch Tháng hành động vì trẻ em, Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ; triển khai chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống SDD bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam"; treo 90 băng zôn truyền thông uống Vitamin A tại tuyến tỉnh. Triển khai hoạt động Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển từ 16-23/10.
Không chỉ có vậy, để tăng cường hoạt động phòng chống SDD trẻ em dưới 5 tuổi, hàng năm, CDC tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn các hoạt động của chương trình cho cán bộ BCĐ chương trình các cấp, cán bộ chuyên trách tuyến huyện, tuyến xã về phòng chống SDD trẻ em. Nhờ vậy, hoạt động theo dõi tăng trưởng của trẻ thường xuyên được duy trì. Năm 2021, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi được theo dõi cân nặng thường xuyên hàng tháng đạt 98,76%.
Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các địa phương tăng cường giám sát phòng chống SDD ở tuyến dưới để đôn đốc hoạt động, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Trong năm 2021, CDC tỉnh đã tổ chức giám sát “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển” tại 10 xã; giám sát uống vitamin A đợt 1 tại các địa phương: Uông Bí, Quảng Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ; điều tra dinh dưỡng 30 cụm thuộc 12 huyện (Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí, Cẩm Phả, Hạ Long, Đông Triều).
Tháp dinh dưỡng dành cho trẻ 3-5 tuổi (theo benhvienphusanhanoi.vn).
Ngay từ khi bà mẹ mang thai, công tác khám thai thường kỳ, tư vấn dinh dưỡng đã được quan tâm thực hiện, nhằm giảm tình trạng thiếu năng lượng thường xuyên ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và giảm tình trạng thiếu máu ở phụ nữ mang thai, đảm bảo cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. Năm 2021, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên thời thai kỳ đạt tỷ lệ 87%; 99,5% phụ nữ khi sinh đều sinh tại các trạm y tế, bệnh viện, được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đẻ; 55% bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sức khỏe tuần đầu sau sinh tại nhà; 84,57% bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được uống Vitamin A. Nhiều phụ nữ mang thai và trước khi xác định mang thai đã chủ động phòng chống thiếu máu do thiếu sắt bằng cách sử dụng thực phẩm đa dạng, uống viên sắt axit follic.
Không chỉ chăm sóc trẻ ngay từ khi còn trong giai đoạn thai kỳ, khi trẻ sinh ra, các bà mẹ cũng được tư vấn dinh dưỡng cho con đầy đủ, như: Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng để tăng sức đề kháng cho trẻ; bổ sung các loại thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Năm 2021, các đơn vị y tế đã tổ chức 436 buổi thực hành dinh dưỡng cho 13.080 lượt phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ dưới 5 tuổi; đã có gần 5.310 bà mẹ được phổ biến kiến thức nuôi con. Cùng với đó, hàng tháng, trẻ dưới 5 tuổi đều được cân đo nhằm theo dõi cân nặng, chiều cao. Mỗi năm, ngành y tế còn triển khai 2 đợt chiến dịch uống Vitamin A cho trẻ. Riêng năm 2021, toàn tỉnh có 98,7% trẻ từ 6-36 tháng tuổi được uống vitamin A, 1.530 trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo.
Với những cách làm trên, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc trẻ... Nhờ vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 21,8% năm 2020 còn 21,7% năm 2021; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân duy trì ở mức 11,9%; qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng dân số ở Quảng Ninh.