Ở Ấn Độ, thị trường điện thoại lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc), báo The Times of India nhận định camera là một nhân tố rất quan trọng đối với người dùng khi cân nhắc mua smartphone. Chính vì vậy, các hãng sản xuất điện thoại đang chạy đua để cải thiện chức năng chụp ảnh trên sản phẩm của mình.
Dùng thuật toán điện toán để giảm giá thành
Chức năng chụp ảnh trên di động dựa trên cả phần cứng và phần mềm nên nếu muốn tối ưu là phải kết hợp cả hai phần.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc đầu tư cho phần cứng rất tốn kém, khiến giá thành sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, phần cứng camera chủ yếu do bên thứ 3 cung cấp, dẫn tới sự phụ thuộc của nhà sản xuất. Trong khi đó, phần mềm lại tùy thuộc vào nội lực của chính nhà sản xuất, là chỗ để các nhà sản xuất phô diễn công nghệ riêng của mình, tạo dấu ấn khác biệt cho sản phẩm.
Các thuật toán chụp ảnh đã phát triển thành công nghệ nhiếp ảnh điện toán (NAĐT), sử dụng các thuật toán điện toán để xử lý hình ảnh bất kể kích thước nhỏ bé của các ống kính và cảm biến trên thiết bị di động. Theo đó, nâng cao chất lượng hình ảnh vượt qua những gì mà các ống kính và cảm biến hình ảnh có thể ghi được, giảm nhiễu mờ khi chuyển động, bổ sung thêm chiều sâu trường ảnh, cải thiện màu sắc, độ tương phản và dải ánh sáng. Với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), NAĐT như rồng được chắp thêm cánh lên mây! Đây là lý do mà nhà Apple không sa đà vào cuộc chạy đua trang bị các cụm camera ngày càng "khủng" của thế giới Android mà vẫn kiên trì tập trung cải tiến thuật toán nhiếp ảnh cho các dòng iPhone của mình.
Trên chiếc flagship iPhone 13 Pro Max ra mắt hồi tháng 9-2021, Apple vẫn chỉ sử dụng cụm 3 camera 12 MP. Ngay cả ở thế giới Android, Google - chủ nhân của hệ điều hành Android - cũng đã đi tiên phong trong việc phát triển và ứng dụng NAĐT. Và NAĐT đã trở thành một chủ đề nóng sốt khi Google ra mắt smartphone Pixel 2 của mình hồi năm 2017. Trên thiết bị này, Google đã sử dụng Máy học để xử lý nhiều hình ảnh chụp cùng một vị trí, đối tượng ở các góc độ khác nhau để tạo ra một cảnh lớn hơn, chi tiết hơn. Và cho đến thế hệ Pixel 6a được công bố hôm 11-5 vừa qua, trong khi các hãng khác đã trang bị 4 camera tới 108 MP, Google vẫn "bình tĩnh" dùng cấu hình 2 camera 12 MP. Cho tới nay, giới nhiếp ảnh di động vẫn coi dòng Pixel với NAĐT là một trong những "bậc thầy nhiếp ảnh".
Tương lai của công nghệ camera
Ở Việt Nam, Bkav ngay từ đầu đã kiên trì ứng dụng NAĐT cho smartphone Bphone của mình. Và công bằng mà nói, dòng Bphone đã cho ra những hình ảnh lung linh.
Ngay cả Samsung, nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới, cũng từng kiên trì nhiều năm đứng ngoài cuộc chạy đua nâng cấp camera "khủng", mà vẫn dùng cấu hình cao nhất là camera 12 MP. Mãi cho tới dòng Galaxy S22 Ultra và Galaxy Note20 Ultra năm 2020, Samsung mới chịu theo trào lưu mà sử dụng camera 108 MP. Cho dù bây giờ đã sử dụng các camera 64 MP và 108 MP, Samsung vẫn nhấn mạnh tới NAĐT ứng dụng AI. Trong sự kiện ra mắt smartphone flagship OPPO Find X5 Pro tại TP HCM tối 5-5, ông Đỗ Quang Kha, CEO OPPO Việt Nam, cho biết OPPO đã ứng dụng NAĐT cho dòng flagship này. "NAĐT sẽ là tương lai của công nghệ camera di động sau này" - ông Kha nhận định.
OPPO, nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới trong quý I/2022 đã chơi lớn trong cuộc đua NAĐT. Họ đã nghiên cứu, phát triển chip xử lý AI (NPU) về hình ảnh đầu tiên trên thế giới gọi là MariSilicon X và đã giới thiệu nó tại sự kiện thường niên OPPO INNO DAY 2021 ngày 14-12-2021. OPPO Find X5 series là dòng smartphone đầu tiên được trang bị Imaging NPU. Theo OPPO, NPU hình ảnh chuyên dụng này mang lại hiệu năng ấn tượng cùng hiệu suất tiêu thụ năng lượng tối ưu, có khả năng xử lý định dạng hình ảnh RAW theo thời gian thực. Sức mạnh xử lý của NPU chuyên dụng này cho phép quay và xem trước trực tiếp Video đêm AI 4K chất lượng cực kỳ cao - vốn là thách thức đối với các camera di động hiện nay.
Các ống kính camera dù cao cấp và tiên tiến đến đâu cũng chỉ là những linh kiện vô tri vô giác. Chỉ có NAĐT mới có thể nhận ra được đối tượng chụp thuộc loại nào (con người, thức ăn, vật nuôi…) để xử lý phù hợp. AI sẽ tham khảo cơ sở dữ liệu trên toàn thế giới để tổng hợp và điều chỉnh cho ra những hình ảnh được tối ưu hóa làm hài lòng người chụp. Tất nhiên, trải qua một thời gian "học" và được cải thiện, AI trong chụp ảnh ngày càng được tự nhiên hơn, thật hơn, bớt ảo diệu, chẳng hạn như xử lý màu da người.
Phần cứng camera được coi là trái tim của smartphone và nó cũng chiếm một phần lớn trong giá thành thiết bị. TechInsights cho biết vào năm 2017, tỉ lệ phần cứng camera chiếm trong tổng chi phí vật tư cho smartphone là 12% (với HUAWEI Mate 10), 8% (Samsung Galaxy S8) và 7% (Apple iPhone 8). Theo báo The Korea Herald, cụm 3 camera, trong đó cao nhất là camera chính 108 MP, trên Samsung Galaxy S20 Ultra vào năm 2020 trị giá tới 89,17 USD. Trong khi đó, camera 25 MP trên Samsung Galaxy A50 trị giá 19,3 USD. Cụm 3 camera 12 MP trên Apple iPhone 11 Pro Max cũng có giá tới 42,4 USD. Apple cũng đã phải trả 34,5 USD cho phần cứng camera trên iPhone XS Max. Còn Huawei đã phải chi 56 USD cho cụm camera trên smartphone P30 Pro. Số lượng điểm ảnh cao không cần thiết chắc chắn làm tăng giá thành thiết bị.
Người dùng di động, đặc biệt là những người yêu thích chụp ảnh trên thiết bị di động, chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích từ NAĐT. Cuộc đua chức năng chụp ảnh trên các smartphone giờ đây thực chất là cuộc đua giữa các thuật toán chụp ảnh của các nhà sản xuất thiết bị di động.
Tăng chất lượng hình ảnh
Phần cứng camera có giới hạn nhất định của nó, trong khi NAĐT hầu như có khả năng vô hạn. Do đặc thù, smartphone không thể chứa những cảm biến hình ảnh đủ kích thước và những ống kính chuyên nghiệp. Chính khả năng thiên biến vạn hóa của NAĐT sẽ giúp chức năng chụp ảnh trên smartphone vượt qua những giới hạn phần cứng đó. Chất lượng hình ảnh cũng phụ thuộc vào kích thước điểm ảnh vốn càng lớn thì càng thu nhận được nhiều ánh sáng và dữ liệu hình ảnh hơn.