Cả làng… đồ xôi
Nghề nấu xôi ở làng Phú Gia có từ bao giờ không ai nhớ. Chỉ biết rằng nhiều đời nay, người làng đã duy trì nghề này và ngày càng phát triển. Ông Công Văn Chức, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Thượng cũng là người làng Phú Gia kể: "Phú Thượng xưa có ba làng: Làng Thượng Thụy có nghề trồng hoa lay ơn và buôn chuối, sau chuyển sang trồng hoa đào và buôn bán các loại hoa. Làng Phú Xá giáp đất Nhật Tân có nghề làm bún và trồng đào. Còn làng Phú Gia có nghề truyền thống nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món xôi được dân Hà thành truyền tụng thành thơ ca: "Làng Gạ có gốc cây đề - Có sông tắm mát có nghề bán xôi" (làng Gạ là tên nôm của Phú Gia)".
Cũng như nhiều làng nghề khác, nghề nấu xôi ở Phú Gia cũng có lúc thịnh, lúc suy, nhưng đến nay cả thôn Phú Gia có khoảng 600 hộ tham gia làm nghề. Ông Hồ Văn Quang, người làng Phú Gia cho biết: "Nếu không phải thoát ly đi làm công chức, nông dân Phú Gia sau khi bị thu hồi đất canh tác đều chuyển sang nghề đồ xôi. Tinh mơ sáng, làng xóm đã rộn ràng, chị em í ới gọi nhau đi chợ. Họ tỏa đi khắp nơi, người sang các làng bên như: Ngọc Hà, Quảng Bá; người vào sâu nội thành như: Đồng Xuân, Bắc Qua; có người bán ở tận khu vực Bến xe phía Nam. "Ở đâu có người bán từ 3 loại xôi trở lên thì gần như đó là người làng Phú Gia cả"- ông Quang cười. Xôi Phú Gia cung cấp cho đủ các tầng lớp trong xã hội, từ học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức và cả những khách sạn cao cấp. Họ phục vụ đủ mọi nhu cầu: xôi ăn sáng, xôi làm cỗ cưới, cỗ sinh nhật, làm tiệc chiêu đãi, thậm chí cả xôi làm quà biếu... Có người "mua" chỗ ngồi cố định ở các chợ, người thuê cửa hàng ở các phố, nhưng cũng có người gồng gánh rong ruổi khắp các con ngõ, vỉa hè Hà Nội…
Giữ tiếng thơm làng nghề
Theo chân ông Công Văn Chức, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Thượng, chúng tôi đến thăm một số gia đình có thâm niên trong nghề đồ xôi bán. Ngay lối vào nhà bà Nguyễn Thị Tuyến, tổ 21, cụm 3 đã thấy bày la liệt các xô chậu đựng gạo. Những rá gạo nếp cái hoa vàng trắng tinh, hạt đều nhau tăm tắp được vo sạch, để ráo chuẩn bị đồ xôi. Bà Tuyến cho biết, nấu xôi không vất vả, xong phải dậy sớm. Ngày nào cũng vậy, bà dậy từ 2 giờ sáng, cùng chồng và các con chuẩn bị 5 loại xôi: Xôi lạc, đậu xanh, đỗ đen, xôi xéo, hoàng phố để kịp 5 giờ sáng chuyển lên phố Bát Đàn bán lẻ. Niềm nở, không giấu "bí quyết", bà Tuyến cho biết, để có xôi ngon, quan trọng nhất là nguyên liệu làm xôi phải chuẩn. Gạo nếp, phải đích thực là nếp cái hoa vàng, chọn kỹ; đỗ, lạc cũng phải đạt tiêu chuẩn, lá gói xôi là lá sen hoặc lá chuối rửa sạch. Rồi đến kinh nghiệm đồ xôi. Người làng Phú Gia thường đồ xôi hai lửa. Từ đêm hôm trước, người ta đã cho gạo vào đồ. Khi đồ phải giữ cho lửa đều, hơi nhiều. Khi xôi chín được 80% thì vẩy thêm chút nước cho hạt xôi se lại. Xôi nấu xong dỡ ra cho nguội, hôm sau, trước khi đưa đến tay thực khách lại tiếp tục đồ lần hai để xôi đạt tới độ dẻo như ý muốn.
Bà Nguyễn Thị Tuyến vo gạo chuẩn bị đồ xôi (ảnh dưới). |
"Nói thì có vẻ như đơn giản, nhưng mọi công đoạn cũng đều phải có kinh nghiệm đấy. Ngay cách vo gạo cũng là cả một nghệ thuật. Có lần làm cho khách sạn số lượng nhiều, tôi phải thuê thêm người.
Gạo ngâm đã kỹ, người vo lại mạnh tay, khiến nhiều hạt gạo bị gẫy, xôi đồ bị nát" - Bà Tuyến cho biết. Hiện mỗi ngày gia đình bà làm khoảng 50kg gạo, đồ xôi bán lẻ. Thi thoảng, bà còn làm xôi theo đơn đặt hàng của một số khách sạn như: Sofitel, Hilton, Daewoo, Horizon... khi có yêu cầu. Lúc đó, số lượng có ngày lên tới 200-300kg gạo.
Ở Phú Gia còn có nhiều gia đình có truyền thống đồ xôi rất khéo, các gia đình này có nhà cửa khang trang, con cái học hành đâu vào đấy cũng đều trông vào nghề này cả. Theo ước tính của ông Công Văn Chức, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Thượng, với 600 hộ đồ xôi, cả làng Phú Gia mỗi ngày tiêu thụ từ 4 đến 5 tấn gạo nếp. Người làng Phú Gia luôn bảo nhau muốn giữ nghề truyền thống phải làm hàng thật chất lượng. Mọi nguyên vật liệu để làm xôi đều được chọn lọc kỹ càng. Xôi gấc thì 100% phải là gấc "xịn" hay xôi hoàng phố phải dùng nghệ vàng chứ không bao giờ được dùng phẩm màu để lừa thực khách… Hội làng ngày 10 tháng Giêng vừa qua, những người gắn bó với nghề xôi của làng đã tham gia cuộc thi đồ xôi để bình chọn những người khéo léo làm nghề; và quan trọng hơn là để tôn vinh, động viên người làng giữ nghề và làm nghề thật tốt, lưu truyền tiếng thơm cho Phú Gia.