Hàng nghìn chuyến bay của một số hãng hàng không lớn nhất ở châu Âu đã buộc phải cất cánh trong tình trạng ’trống không’ để giữ được khoảng ’thời gian vàng’ cho việc khởi hành và hạ cánh ở các sân bay lớn.
Hãng hàng không lớn thứ hai của châu Âu, Lufthansa cho biết họ đã phải thực hiện 18.000 ’chuyến bay ma’ trong mùa đông này, bất chấp những tác động nghiêm trọng tới môi trường. Khoảng 3.000 chuyến bay trong số đó là của công ty con của hãng, Brussels Airlines.
Trong tuần này, nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu người Thụy Điển, Greta Thunberg, đã lên án việc các hãng triển khai những chuyến bay không cần thiết. Trên trang mạng cá nhân, bà Thunberg viết: “Châu Âu chắc chắn đang ở trong tình trạng báo động về khí hậu”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông liên bang Bỉ, Georges Gilkinet cũng cho rằng các ’chuyến bay ma’ đang tác động tới cả nền kinh tế và hệ sinh thái.
Một tuyên bố từ Lufthansa cũng kêu gọi ban quản lý các sân bay có chính sách linh hoạt hơn để hỗ trợ các hãng trong thời gian khủng hoảng vì đại dịch.
“Nếu không có sự linh hoạt trong chính sách liên quan tới khủng hoảng này thì các hãng hàng không vẫn buộc phải thực hiện những chuyến bay không hành khách, chỉ để giữ được thời gian bay hợp lý", tuyên bố của Lufthansa nêu rõ.
Hãng hàng không lớn thứ 2 châu Âu kêu gọi chính sách linh hoạt hơn từ các đơn vị quản lý trong thời gian khủng hoảng vì đại dịch
Theo quy tắc "sử dụng hoặc mất" mà các sân bay đưa ra trước đại dịch thì các hãng hàng không buộc phải sử dụng ít nhất 80% thời gian bay được phân bổ của họ để giữ chỗ, tuy nhiên EU đã nới lỏng quy tắc này xuống còn 50%.
Từ góc độ quản lý, họ sẽ đảm bảo vị trí cho các hãng hàng không lớn để ngăn cản sự cạnh tranh từ các hãng hàng không nhỏ hơn hay các hãng hàng không mới xuất hiện.
Hàng chục nghìn chuyến bay trống, không hành khách đang phủ kín bầu trời thế giới
Mặc dù vậy, Stefan De Keersmaecker, phát ngôn viên cấp cao của Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của EU, đã bác bỏ cáo buộc của các hãng hàng không buộc phải vận hành các ’chuyến bay ma’. Ông De Keersmaecker đã trích dẫn dữ liệu và dự báo từ Eurocontrol cho thấy lưu lượng các chuyến bay được thực hiện từ đầu năm 2022 chỉ vào khoảng 77% so với trước đại dịch.
“Các quy tắc của EU không bắt buộc các hãng hàng không phải thực hiện các chuyến bay ma. Quyết định khai thác các tuyến bay hay không là một quyết định thương mại của hãng hàng không và không phải hệ lụy của các quy tắc do EU đề ra. Ngược lại, Ủy ban cũng có biện pháp nhằm tránh những chuyến bay trống, gây hại cho nền kinh tế và môi trường”, ông De Keersmaecker cho hay.
Tại Australia, các chuyến bay được phân bổ bởi Airport Co-ordination Australia. Cơ quan này sẽ phân chia vị trí cất cánh và hạ cánh cho các hãng hàng không. Đồng thời, quy tắc “sử dụng hoặc mất” cũng bị vô hiệu hóa trong thời gian đại dịch.
Tương tự, Cục Hàng không Liên bang Mỹ cũng đã nới lỏng chính sách và chỉ áp dụng quy tắc trên với các sân bay Cấp 3 như sân bay JFK, LaGuardia của New York hay Sân bay Quốc gia Ronald Reagan Washington ở Washington DC.