Bị “quỵt” gần trăm triệu đồng
Trên một bãi đất trống tại Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, nhóm thợ xây do anh Nguyễn Văn Thảo (SN 1976) quê Thanh Hóa làm trưởng nhóm đã dựng lán, căng bạt để làm nơi trú ngụ. Để có thể ở tại đây, anh Thảo phải thuê bãi đất trống này với giá 3,5 triệu đồng/tháng.
Theo lời anh Ngô Văn Quý (SN 1986) quê Thanh Hóa, tại khu vực lán này có khoảng hơn 10 lao động tự do làm nghề thợ hồ. Tất cả tiền ăn, tiền thuê trọ, tiền mua đồ dùng sinh hoạt đều do anh Thảo chi trả. Anh Thảo là người nhận công trình, đưa thợ về làm và trả tiền công cho họ.
Anh Quý nhớ lại, có lần, sau khi hoàn thành xong một công trình nhà ở tư nhân, nhóm anh Thảo bị chủ thầu nợ tiền công là 82 triệu đồng. Gần đây nhất, anh Thảo cũng bị một chủ thầu nợ 40 triệu đồng chưa thanh toán.
Trong thời gian thi công, nhóm anh Thảo nghỉ trưa tại công trình. Khi nhóm thợ này đòi tiền công thì nhận được câu trả lời tỉnh bơ từ phía chủ thầu: "Trừ vào chi phí khi thợ ở". Số tiền đó, đến bây giờ vẫn chưa đòi lại được.
Để có tiền công trả cho các anh em trong nhóm, anh Thảo chấp nhận đi vay nợ. Trong khi đó, người đàn ông này còn 3 người con gái và một người vợ ở quê phải gửi tiền về chăm lo.
Khó khăn chồng chất khi anh Thảo phát hiện căn bệnh hiểm nghèo, phải nằm điều trị tại bệnh viện E Hà Nội suốt 17 ngày. bệnh tình trở nặng, anh Thảo được chuyển về với gia đình ở Thanh Hóa. Mọi công việc tại lán giờ giao cho anh Quý lo toan.
Sớm làm xong công trình, về với gia đình
Đôi bàn tay lấm lem vữa, bộ quần áo lao động rách tả tơi, anh Quý ngồi phịch xuống tấm phản cũ mèm sau một ngày lao động cực nhọc.
“Ngày nào cũng thế, làm từ 6h sáng đến 7h tối chúng tôi mới về. Từ lúc hết giãn cách xã hội đến bây giờ, chúng tôi làm 70 công (70 ngày) liên tục để kịp tiến độ. Ở đây còn 5 anh em, không làm nhanh thì không kịp giao công trình cho họ, chúng tôi không lấy được tiền về quê”, anh Quý nói.
Đi làm từ khi 17 tuổi, anh Quý đã vào Nam - ra Bắc bươn chải đủ nghề. Móc nối từ người này sang người khác, anh Quý quen anh Thảo và về làm cho đội anh Thảo đến nay đã được 7 năm. Đối với thợ cứng như anh Quý một ngày được trả công từ 300.000 - 350.000 đồng, còn phụ hồ thì chỉ được trả khoảng 200.000 đồng.
Được biết, anh Quý chưa lập gia đình. Bố mẹ anh Quý ở quê đều đã tuổi cao sức yếu. Bố anh mắc căn bệnh ung thư dạ dày hơn 1 năm nay. Mỗi tháng, anh Quý phải gửi khoảng 5 triệu về quê cho bố chữa bệnh.
Gần 50 tuổi nhưng ông Đấu vẫn phải bươn chải với nghề thợ hồ để có tiền lo cho vợ con. Ảnh: Lương Hạnh.
Ông Nguyễn Văn Đấu (SN 1973) cũng là một thành viên trong đội thợ hồ. Ông Đấu có hai người con, một người đã lập gia đình còn một người đang học lớp 11. Vợ ở quê làm nông, ông Đấu vẫn phải tiếp tục bám trụ thành phố, bươn chải để lo cho người con thứ 2 ăn, học.
Khi PV hỏi sao không tìm một công việc nhẹ nhàng hơn để làm, ông Đấu chia sẻ: “Quen rồi. Giờ làm một công việc không tự do giờ giấc, gò bó khó chịu lắm”.
Càng những ngày cận tết, nhóm lao động tự do làm nghề thợ hồ này chỉ mong sớm hoàn thành công trình, được thanh toán đầy đủ tiền công để về quê ăn tết với gia đình.
"Cũng gần một năm không về quê, tôi chỉ mong hoàn thành sớm công trình để về với gia đình thôi", ông Đấu bày tỏ.