Ngày 28/11, UBND TP.Đà Nẵng cho biết, đã hoàn tất việc lấy ý kiến của các chuyên gia tư vấn, cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm công tác, nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị về dự thảo đề án "Một số cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và thu hút, trọng dụng người có tài năng công tác trong khu vực công TP.Đà Nẵng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
TP.Đà Nẵng sẽ thực hiện theo hình thức hợp đồng thuê khoán chuyên gia để phục vụ cho các chương trình nghiên cứu, các đề tài, dự án lớn của thành phố.
Đề án tập trung vào 2 nhóm giải pháp, gồm: Đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đổi mới cách thức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với triển khai các cơ chế, chính sách trọng dụng người có tài năng đang công tác trong khu vực công.
Đối với nhóm giải pháp đào tạo, bên cạnh các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chức danh theo quy định, đề án chú trọng đến các khóa đào tạo chuyên sâu để tạo nguồn chuyên gia tham mưu hoạch định chính sách, bồi dưỡng kỹ năng quản lý chính quyền đô thị và đào tạo cán bộ thông qua thực tiễn công tác (bằng hình thức điều động, luân chuyển, giao nhiệm vụ…).
Về thu hút, trọng dụng người có tài năng, đề án xác định tập trung thu hút ngắn hạn các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt trên các lĩnh vực quan trọng là y tế, giáo dục và 5 lĩnh vực mũi nhọn được xác định theo Nghị quyết 43-NQ/TW (du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp).
Đề án này cũng xây dựng các chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng, khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ và phát triển công nghệ… nhằm góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đủ phẩm chất, năng lực và bản lĩnh chính trị, đảm bảo cho nhu cầu phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố.
UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Sở Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề án để tham mưu Ban cán sự đảng UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy. Dự kiến sẽ trình Ban chấp hành Đảng bộ thành phố tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 6 vào đầu tháng 12/2021.
Trung tâm Hành chính Đà Nẵng: Ảnh: D.B
Vừa qua, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban chỉ đạo TƯ về quản lý biên chế ngày 25/11, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP cho hay, đầu việc của các sở, ngành ngày càng tăng lên, gấp nhiều lần so với trước đây.
Trong năm 2021, Sở TN-MT, Sở Y tế có hơn 30.000 văn bản cần xử lý; Sở Tài chính, Sở Xây dựng cũng có hơn 20.000 văn bản cần xử lý.
"Biên chế giảm sâu dẫn đến áp lực cho cán bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ thực trạng trên, cùng với mức thu nhập hạn chế đã dẫn tới câu chuyện chảy máu chất xám bởi TP không đủ điều kiện giữ chân nhân tài do cơ chế ràng buộc. TP rất trăn trở trước vấn đề này", ông Nam nói.