Tin liên quan
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh quán triệt, các bệnh viện không phải là nơi không có Covid-19 mà là nơi sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Để thích ứng với giai đoạn sống chung an toàn với Covid-19 và tăng cường năng lực điều trị khi số ca F0 có chiều hướng gia tăng, ngày 19-11, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng yêu cầu các bệnh viện trong thành phố cần triển khai thực hiện nghiêm túc 7 nội dung sau:
Một là, quán triệt quan điểm “bệnh viện xanh” không phải là “bệnh viện không có Covid-19”, mà là bệnh viện được tổ chức và vận hành theo các quy trình an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định về sàng lọc, phân luồng, cách ly và có khu vực luôn sẵn sàng để thu dung điều trị người bệnh Covid-19, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Hai là, lãnh đạo các bệnh viện chịu trách nhiệm phổ biến, tập huấn, xây dựng các kịch bản và tổ chức diễn tập các tình huống liên quan đến quy trình xử lý F0 tại các cơ sở y tế theo đúng các quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế. Tất cả bệnh viện cần chủ động rà soát, bổ sung cơ số thuốc, vật tư tiêu hao, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19.
Ba là, sau khi phát hiện và cách ly người bệnh mắc Covid-19, trường hợp cần liên hệ để chuyển người bệnh đến các cơ sở được phân công chuyên trách thu dung điều trị Covid-19 thì liên hệ đến bệnh viện được phân công theo địa bàn quận, huyện. Trường hợp người bệnh có dấu hiệu nặng cần chuyển tuyến thì liên hệ với bệnh viện tầng trên đã được Sở Y tế phân công theo từng cụm.
Bốn là, tất cả bệnh viện tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh. Sở Y tế chính thức kích hoạt lại hoạt động của Tổ điều phối chuyển viện do thanh tra Sở và Nghiệp vụ y phụ trách.
Năm là, các bệnh viện trên địa bàn thành phố cử bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến các bệnh viện dã chiến 3 tầng theo kế hoạch phân công của Sở Y tế để vừa tham gia công tác chăm sóc người F0, vừa tham gia chương trình đào tạo liên tục về chuyên khoa hồi sức. Chương trình đào tạo thực hành về hồi sức sẽ do các bệnh viện: Nhân dân Gia Định, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, trung ương Huế (cho đến tháng 12-2021) và Nhân dân 115 phụ trách.
Ngoài việc sẵn sàng ứng phó với Covid-19 tại địa bàn, các bệnh viện của thành phố Hồ Chí Minh còn có kế hoạch chi viện nhân lực cho các tỉnh phía Nam phòng, chống Covid-19.
Sáu là, các bệnh viện quận, huyện chủ động tham gia vận hành và cử nhân viên y tế luân phiên đến công tác tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại địa phương.
Bảy là, mỗi bệnh viện luôn sẵn sàng danh sách bác sĩ, điều dưỡng dự bị, tổ chức tập huấn để sẵn sàng tham gia vận hành các trạm y tế lưu động khi được Sở Y tế yêu cầu, cùng với việc sẵn sàng cử lực lượng đi chi viện, hỗ trợ công tác điều trị Covid-19 cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Ngoài ra, trước thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều F0 thể nhẹ điều trị tại nhà đã hết triệu chứng bệnh và âm tính với SARS-CoV-2 sau 7 ngày điều trị. Tuy nhiên, số bệnh nhân này vẫn phải cách ly đủ 14 ngày theo quy định hiện hành. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh nhận định, nếu kéo dài thời gian cách ly cùng với số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày, sẽ khó tránh quá tải tại khu cách ly tập trung và các bệnh viện.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyên Hoài Nam cho biết: “Để gia tăng hiệu quả trong công tác chăm sóc, điều trị F0, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho phép thành phố Hồ Chí Minh thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng đã tiêm 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7”.