Những ngày gần đây, nước từ thượng nguồn đổ về có phần chậm lại nên nhiều cánh đồng ở khu vực biên giới của tỉnh An Giang và Đồng Tháp vẫn chưa ngập sâu như mong đợi của người dân mưu sinh bằng nghề giăng câu, thả lưới.
Cuốn dớn là thất nghiệp
Chúng tôi tìm đến nhà người quen là lão nông Phan Văn Tài - ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang - để hỏi về công việc làm ăn mùa lũ. Một phụ nữ từ trong nhà đi ra, buồn bã: "Ba tôi mất cách nay đã 1 một năm. Toàn bộ giàn dớn là gia tài của ba tôi để lại đã giao cho 2 người con rể làm để kiếm cá bán sống qua ngày".
Nhà anh Phạm Văn Tam, con rể thứ 4 của ông Tài, ở gần đó. Đang nằm nghỉ mệt sau chuyến đặt dớn về, Tam ngồi dậy tiếp chuyện trong khi vợ anh xay cua để giao cho những người bán bún riêu ngoài chợ.
"Tôi vốn không phải là người đặt dớn chuyên nghiệp mà chủ yếu đi phụ hồ hoặc ai kêu gì làm nấy. Tiếc những giàn dớn của cha vợ, nếu không sử dụng sẽ hỏng nên tôi lấy về 8 giàn rồi đem ra cánh đồng phía bờ bên kia kênh Vĩnh Tế đặt bắt cá" - anh Tam cho biết.
Theo anh Tam, lũ năm nay về muộn hơn năm ngoái khoảng 1 tháng và đang ở mức rất thấp nên người dân sống bằng nghề sông nước hụt hẫng vì không đón bắt được lượng cá linh non đầu mùa để bán với giá cao.
"Cá bắt được ít quá, không đủ chi phí mua xăng chạy vỏ lãi nên vợ tôi phải phụ làm nghề xay cua đem giao cho những người nấu bún riêu để kiếm thêm thu nhập. Với tình hình này thì dân nghèo sống bằng nghề giăng câu, thả lưới như chúng tôi chỉ làm được khoảng 4-5 ngày nữa là kết thúc mùa lũ. Cuốn dớn lên bờ thì coi như tiếp tục thất nghiệp" - anh Tam trăn trở.
Với 8 giàn dớn dài đến hơn 1,5 km, bình quân mỗi ngày anh chỉ bắt được vài ký cá linh và một ít cá tạp. Cá linh được vợ anh làm sạch rồi đem ra chợ bán được giá 70.000 đồng/kg, còn cá tạp được bán làm thức ăn nuôi cá khác.
Theo ông Phạm Văn Phương - khóm 1, phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc - gia đình ông cũng sống bằng nghề đặt dớn nhưng không phải trên đồng mà theo mé sông Châu Đốc để có thể bắt được những loại cá to, bán với giá cao hơn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên suốt thời gian dài, ông không thể đem cá ra chợ bán để tránh tụ tập đông người.
"Nhiều người dân khu vực biên giới sống chủ yếu nhờ qua Campuchia thuê đất trồng lúa hoặc làm nghề "bà cậu" (đánh bắt cá ở sông nước miền Tây - PV) nhưng dịch bệnh xảy ra không đi đâu được. Khoảng nửa tháng nay, những người làm nghề "bà cậu" như tôi rất vui vì chính quyền địa phương đã cho phép chợ búa mua bán trở lại. Nhờ vậy mà tôi bán cá cũng kiếm thu nhập, bình quân mỗi ngày khoảng 100.000 đồng" - ông Phương bày tỏ.
Khó làm ăn vì nạn buôn lậu
Xuôi theo dòng kênh Vĩnh Tế vào vùng Tứ giác Long Xuyên, nước lũ năm nay rất thấp so với những năm trước khiến nhiều cánh đồng tiếp giáp với Campuchia vẫn còn cỏ mọc xanh um.
Chuẩn bị ra đồng, ông Nguyễn Văn Bình - huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - cho biết năm nay, ông buộc phải treo hàng chục giàn đú trong kho vì khó tìm chỗ nước sâu để đặt. "Mùa lũ mấy năm trước, mỗi ngày tôi cùng anh em trong gia đình đi đặt đú liên tục vì nước lớn, cá nhiều. Còn bây giờ, mỗi ngày chỉ đặt đú một lần nhưng cũng không được bao nhiêu cá. Bữa nào trúng lắm thì kiếm được khoảng 300.000 đồng, chủ yếu là nhờ bắt được cá linh" - ông Bình cho hay.
Trong khi đó, ông Lê Văn Việt - huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang - cho rằng ngoài việc bị hạn chế địa bàn đối với các xã giáp ranh thì tình trạng buôn lậu cũng khiến người dân sống bằng nghề thả lưới, đặt đú gặp rất nhiều khó khăn.
Mới đây, cha ông dùng ghe chở hàng chục giàn đú đến cắm tại khu vực giáp ranh với thị trấn Tịnh Biên thì ngay lập tức bị chính quyền địa phương cử người ra yêu cầu tháo dỡ. Nguyên nhân là vì địa phương lo ngại khó kiểm soát được tình trạng buôn lậu đang diễn ra nơi đây với nhiều thủ đoạn rất tinh vi.
"Dân buôn lậu bây giờ sử dụng nhiều chiêu "độc" lắm chứ không phải như trước là chạy xuồng máy công suất cao để băng qua đồng nước về tập kết hàng tại các kho bãi dọc theo kênh Vĩnh Tế. Thay vào đó, họ thuê người cho hàng lậu vào các bao nhựa rồi giả vờ kéo lê trên mặt nước giống như những người đi làm nghề đặt dớn như chúng tôi để qua mặt lực lượng chức năng. Họ cũng canh thời điểm thuận lợi nhất là từ chiều tối hôm trước đến sáng hôm sau để kéo hàng lậu qua biên giới" - ông Việt kể.