Băng qua mỏ đá để vào nhà
Trên địa bàn xã Tân Trường, Tx.Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện có nhiều khai trường khai thác đá do nơi đây có địa chất phù hợp với nhiều núi đá với trữ lượng lớn, thích hợp để khai thác các loại đá phục vụ trong ngành xây dựng.
Trong quá trình hoạt động trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức và chủ động thực hiện công tác đầu tư sửa chữa đường giao thông, thực hiện phun tưới nước chống bụi và chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động khai thác.
Tuy nhiên, do những đặc tính trong ngành nghề khai khoáng, nhất là lĩnh vực khai thác đá, việc kiểm soát các vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh và nguy cơ tai nạn luôn là vấn đề cần được thực hiện, giám sát chặt chẽ.
Theo phản ánh của người dân và ghi nhận của Người Đưa Tin, tại mỏ đá Phú Nam Sơn (Công ty cổ phần Phú Nam Sơn), trên địa bàn xã Tân Trường hiện đang diễn ra tình trạng có 2 hộ dân với 10 nhân khẩu, trong đó bao gồm 4 trẻ nhỏ sinh sống rất gần khu vực mỏ vẫn hàng ngày băng qua khuôn viên mỏ đá để tới trường và thực hiện các hoạt động thường nhật khác.
“Gia đình tôi chuyển về đây từ năm 1990, hiện tại có 2 hộ gồm 10 nhân khẩu, đều là con cháu trong nhà. Từ trước tới giờ, gia đình tôi vẫn thường đi trên con đường xuyên qua mỏ đá Phú Nam Sơn để ra ngoài”, ông Lê Văn Thông (SN 1960) cho biết.
Đường dân sinh chạy qua khu vực đang thực hiện các hoạt động sản xuất của mỏ đá Phú Nam Sơn.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, để vào được hộ gia đình ông Thông, người dân phải băng xuyên qua mỏ đá Phú Nam Sơn. Tại khu vực cửa vào mỏ đá, Công ty Phú Nam Sơn bố trí lực lượng bảo vệ và gác chắn để kiểm soát người lạ cũng như phương tiện ra vào khuôn viên mỏ, đề phòng nguy hiểm có thể xảy ra. Mặc dù vậy, các hộ dân sinh sống phía trong mỏ vẫn di chuyển trên con đường này bình thường.
“Thường ngày, tôi vẫn đưa các cháu băng qua mỏ đá để tới trường mầm non của xã. Từ trước tới nay, chúng tôi cũng chưa gặp phải sự cố gì trong quá trình di chuyển qua mỏ. Khi nào có thông báo nổ mìn, chúng tôi sẽ không đi qua”, chị Lê Thị Tân (SN 1991) - con gái ông Thông cho biết.
Ngoài ra, sinh sống gần mỏ nên 2 hộ gia đình ông Thông và một số hộ dân khác thường xuyên bị "tra tấn" bởi bụi đá.
"Mỗi khi trời nắng hoặc có gió to bụi từ mỏ đá lại bay mù mịt vào khu vực nhà chúng tôi", chị Tân cho biết thêm.
Đồng thời, nhà của các hộ này đã có hiện tượng rạn nứt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản và an toàn của người dân.
“Nhà tôi bị nứt từ trên mái xuống tới móng rồi, không biết ở thế nào nữa. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên xã và đề nghị được di dời”, bà Vũ Thị Hạnh, người dân sống cạnh mỏ đá Phú Nam Sơn cho biết.
Tường nhà dân sinh sống gần mỏ Phú Nam Sơn bị rạn nứt.
Kho thuốc nổ nằm sát nhà dân?
Ngoài vấn đề trên, theo thông tin phản ánh từ người dân nghi vấn về vị trí đặt kho mìn của Công ty Phú Nam Sơn, PV Người Đưa Tin đã tìm đến một nhà kho nằm phía cửa mỏ đá Phú Nam Sơn, sát khuôn viên hộ gia đình bà Vũ Thị Hạnh.
Đó là một nhà mái bằng được sơn trắng, với diện tích khoảng trên dưới 25 mét vuông. Theo gia đình bà Hạnh, đây là nơi đặt kho mìn.
“Đây là kho chứa thuốc nổ của mỏ đá Phú Nam Sơn, từ khi thành lập mỏ và qua nhiều chủ, người ta đã vẫn tập kết mìn tại đây. Ngay phía cổng vào là có các biển bảng cảnh báo cháy nổ”, phía gia đình bà Hạnh cho biết.
Cũng theo ông L.V.T., trước kia ông có nhiều năm làm việc tại mỏ đá này cho các chủ trước. Vì vậy, ông có thể biết được vị trí chính xác của kho mìn.
“Ngôi nhà trắng mái bằng, sát cạnh nhà bà Hạnh chính là kho mìn. Ngày trước người ta xây vậy chứ giờ là không đảm bảo khoảng cách đâu. Thuốc nổ TNT sức công phá rất ghê gớm”, ông T. chia sẻ.
Người dân chỉ về ngôi nhà màu trắng được cho là kho mìn của mỏ đá Phú Nam Sơn sát khu vực nhà dân.
Trước thực trạng trên, qua trao đổi, ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, Tx.Nghi Sơn cho biết, con đường chạy qua mỏ đá Phú Nam Sơn đang được 2 hộ dân sống trong đó sử dụng và một số bà con đi qua đó để ra đồng canh tác và cũng chưa xảy ra tại nạn đáng tiếc nào khi người dân di chuyển qua mỏ đá.
Về vấn đề rạn nứt nhà, ông Hùng chia sẻ, do không có xác nhận tình trạng ban đầu vì vậy hiện rất khó khăn trong việc xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, để giảm thiểu tác động và nguy cơ mất an toàn, địa phương cũng có hướng để chủ mỏ và các hộ sinh sống gần đó có thể thực hiện thỏa thuận di dời người dân sang ở khu vực khác.
Đối với nghi vấn kho mìn đặt sát cạnh khuôn viên nhà người dân, ông Hùng cho rằng chưa nhận được thông tin người dân phản ánh. Trong khi đó, việc đặt vị trí kho mìn đã có từ lúc bắt đầu thành lập mỏ và do bộ phận kỷ thuật chuyên môn thẩm định vị trí.
“Việc đặt vị trí kho mìn ở đâu khi thành lập mỏ, phía công an và cơ quan chuyên môn thẩm định vị trí đặt. Tuy nhiên, trước thông tin phản ánh, tôi sẽ cho cán bộ chuyên môn đo khoảng cách thực tế từ kho mìn tới khu vực nhà dân, sau đó sẽ báo cáo cấp trên thành lập đoàn xuống kiểm tra”, ông Hùng cho biết.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.