Sự cố trong đêm trao giải ZMA dẫn đến việc khán giả cho rằng Thủy Tiên hát nhép xét đến cùng lại rơi vào tình trạng "ngó lơ", lỗi của ai, ai là người chịu trách nhiệm vẫn không tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Mặc kệ công chúng thắc mắc, mặc kệ khán giả "tra tấn" Thủy Tiên không tiếc lời, những người liên quan vẫn "phủi tay" không biết. Thôi thì, vậy là tại chiếc micro!
Phần đông khán giả vẫn "la ầm" lên qua sự cố của Thủy Tiên |
Trách nhiệm ban tổ chức (BTC) nằm ở đâu?
Sau khi "kể lể" rằng "khuấy động sân khấu là yêu cầu của BTC", thì ca sỹ Thủy Tiên tiếp tục chia sẻ: "Đoạn cuối bài đó Tiên quyết định không hát để khuấy động sân khấu. Buổi chiều sau khi tổng duyệt, Tiên đã sửa nhạc thêm vào đoạn cuối có giọng chính lớn để vũ đoàn có thể nhảy theo nhịp, còn mình thì giao lưu với khán giả. Đây là ca khúc do Tiên sáng tác và tham gia vào hòa âm nên không thể quên một đoạn như vậy được."
Điều này có nghĩa là, sau khi tổng duyệt, Thủy Tiên mới sửa nhạc thêm vào. Buổi tổng duyệt diễn ra trong buổi chiều cùng ngày, phần âm nhạc của một chương trình trực tiếp đã thay đổi, tại sao BTC không yêu cầu sớm hơn, tại sao Thủy Tiên không chỉnh nhạc sớm hơn? Và tại sao lại có chuyện "khuấy động chương trình" trong một chương trình trực tiếp, mà, chỉ có Thủy Tiên chứ không còn bất kỳ một ca sỹ nào khác khuấy động? Bởi vì tiết mục Thủy Tiên cần phải "khuấy" nó mới "động" nổi? Còn không thì sẽ "chán" ư?
Nếu Thủy Tiên nói thật, thì trách nhiệm của BTC chương trình nằm ở đâu? Một chương trình được diễn ra trực tiếp trên VTV, khi cả trăm ngàn khán giả đang theo dõi, sự cố xảy đến và một mình Thủy Tiên trả lời hết báo chí này đến báo chí nọ rằng "yêu cầu BTC", còn BTC thì không một phát ngôn chính thức nào, cũng chẳng một lời giải thích, xin lỗi khán giả "tại sao trên sóng truyền hình, giọng Thủy Tiên được-cố-tình dùng để khuấy động lại vang lên yếu ớt nhỏ bé thế kia?".
Chưa kể đến, một chương trình truyền hình trực tiếp, và là một đêm trao giải thưởng âm nhạc, hoàn toàn không phải là một chương trình dùng để khuấy-động-khán-giả. Khán giả trong chương trình không phải khách mời thì là truyền thông, không truyền thông thì là nghệ sỹ, còn lại hầu hết là lượng fan "chuyên nghiệp, hùng hậu", đêm trao giải là đêm tôn vinh, không phải là chương trình bán vé để khán giả thỏa mãn và cần khuấy động. BTC nghĩ gì khi có ý nghĩ "sáng suốt" này? Và quan trọng hơn, BTC có sẵn một lực lượng fan cầm bảng điện tên giải thưởng ZMA, những khán giả này la hét liên tục và khuấy động liên tục, Thủy Tiên tại sao phải "làm còn tốt" cho công chúng "chĩa mũi dùi" vào cô?
Nếu quả thật đây là ý đồ BTC, là trách nhiệm của những người làm chương trình, thì ZMA có thật sự chuyên nghiệp như họ luôn miệng rêu rao?
Sự kỳ diệu của... chiếc micro!
Sự cố đêm diễn ra chương trình, có lẽ chiếc micro là vật dụng kỳ diệu nhất! Nhiều khán giả đã phát hiện ra, đoạn "la la la" bè đầu tiên của bài hát (Thủy Tiên bỏ micro, không hát) và phần "la la la" bè sau mà Thủy Tiên hát, đều có âm vực, trường độ, cường độ... y chang nhau. Vậy thì ngoại trừ giọng hát Thủy Tiên cực kỳ tốt, cực kỳ khỏe y như giọng đã được xử lý, thì chiếc micro cũng là vật dụng quan trọng không kém để thu được chuẩn xác đến thế.
Và, cho đến "thời điểm nhạy cảm", chiếc micro này lại là điểm kỳ diệu khiến đoạn hét to của Thủy Tiên trở nên hoàn-toàn-nhỏ-xíu đến mức gần như là không có trên sóng truyền hình, rồi trong tích tắc của giây, lại tiếp tục vang đều đều chắc nịch câu hát. Chính chiếc micro là "thủ phạm" lớn nhất dẫn đến "sự hiểu lầm" mà công chúng dành cho ca sỹ Thủy Tiên. Do cái micro, mà trên sóng truyền hình, xuyên suốt từ đầu đến cuối đều nghe rõ mồn một, đến cái thở mạnh của MC Thanh Bạch và giọng trả lời thều thào của thành viên 365 sau khi diễn xong cũng nghe, chỉ trừ giọng hét lớn để khuấy động khán giả của Thủy Tiên là khán giả xem tivi "bó tai chịu trận".
Và quan trọng nhất, là sau khi "khuấy động" xong rồi, chiếc mic lại giúp Thủy Tiên hát y như "đoạn nhạc đã được thêm vào", khán giả nghe đoạn đã được thêm vào và đoạn hát của Thủy Tiên y như nhau, không khác biệt chút nào. Vậy thì dụng cụ thu âm thanh và đường truyền âm thanh phát sóng của Việt Nam không hề tệ. Các ca sỹ khác đừng bao giờ "đổ thừa": "tại trực tiếp nên em hát lipsync" nữa nhé!!!
Tạm kết
Khán giả cần một câu trả lời đúng, thật và một lời xin lỗi - của BTC, của Thủy Tiên, hay thậm chí của dàn âm thanh đại diện cho... chiếc mic, quan trọng là chúng ta nên tập thói quen nhìn ra, nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên khiến khán giả công nhận sự phát triển của nền âm nhạc Việt, và đầu tiên là ý thức của những người làm chương trình, những nhân vật có trách nhiệm chính cần phải được nâng cao.