Lũ trẻ theo các mẹ các chị ra ăn bát miến lươn thì thích thú vô cùng, vừa ăn vừa nghe kể chuyện. Thấy bảo ngày xưa miến hay được sắp trong bát nhỏ, thường là bát chiết yêu (loại bát có trôn nhỏ, miệng loe), bây giờ thì không còn thấy hàng nào dùng loại bát đấy nữa.
Để chế biến món này cũng thật cầu kỳ, lươn sau khi làm sạch, tẩm ướp gia vị, sẽ được rán vàng giòn (lươn giòn), hoặc xào săn lại mà vẫn phô màu vàng óng của da lươn (lươn mềm).
Hành hoa và rau răm thái nhỏ thường thái trước khi cho vào bát để giữ mùi thơm, hành răm thái càng nhỏ càng thơm nhiều hơn. Miến sau khi rửa sạch, trần nước sôi, được trần lại vào nồi nước dùng lươn màu nâu nâu cho miến nở, thấm độ đậm, ngọt của nước dùng rồi cho vào bát.
Miến lươn thường có hai loại là miến nước và miến trộn. Với món miến nước, miến sẽ được chan nước dùng được ninh từ xương lươn, thêm giá đỗ, nấm hương, mộc nhĩ, và rau mùi. Còn miến trộn thì miến được xào săn chắc trước khi đưa vào bát cùng với lươn đã xào chín, giá, rau răm, tía tô, có thể ăn với ớt chưng và một chút dấm tỏi ớt.
Miến lươn thích hợp với cả mùa đông và mùa hè. |
Tôi chọn cho mình một bát miến nước với lươn giòn, cũng bởi vì tôi thích cái cảm giác cắn từng miếng lươn giòn tan, sau đó ăn với miến mềm và giá ngọt, hòa quyện với mùi dau răm, rau thơm. Bạn có thể ăn kèm theo quẩy, ngâm trong bát nước dùng đậm đà, ngọt nước.
Món miến có thể ăn vào các mùa, ăn chơi hoặc ăn bữa chính đều được cả, đặc biệt nhất là trong cái trời rét lạnh của Hà Nội, bạn hãy chọn bát miến lươn ngon và nóng theo khẩu vị ưa thích của mình nhé.
Một số quán miến lươn Hà Nội:
- Miến lươn Yên Ninh, đoạn ngã tư giao với Nguyễn Trường Tộ.
- Miến lươn 34 Lê Đại Hành, đoạn cắt Bà Triệu và Mai Hắc Đế.
- Miến lươn Tân Tân, 14 Tuệ Tĩnh, góc ngã tư đoạn cắt Mai Hắc Đế và Triệu Việt Vương.
- Miến lươn Đông Thịnh, 87 Hàng Điếu, đối diện chợ Hàng Da.
- Miến lươn ngõ 14 Hàm Long.