"Đây là một cuộc chiến dành cho những cô gái mạnh mẽ”, Honey J hét lên trước màn dance off trong chương trình của Mnet Street Woman Fighter vào tháng 9. Các thí sinh khác trong chương trình đã cổ vũ cho cả hai vũ công tham gia trận chiến. Đoạn phim ghi lại cảnh trên lan truyền rộng rãi ở mạng xã hội Hàn Quốc và được công chúng gọi là “trận chiến giữa những người phụ nữ thực thụ”.
Hàng loạt chương trình xoay quanh phụ nữ
Theo thuật ngữ Hàn Quốc, ssenunni dùng để chỉ những người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, đặc biệt đi kèm với phong cách thời trang táo bạo, độc đáo, trang điểm mắt đậm, rực rỡ và sắc sảo.
Theo Korea JoongAng Daily, giờ đây, khán giả được mở rộng tầm mắt về một ssenunni “thực thụ” là như thế nào. Ngày nay, ssenunni để chỉ một người phụ nữ tài năng, đam mê lĩnh vực họ theo đuổi và chơi đẹp để giành chiến thắng, chứ không phải nói xấu đối thủ cạnh tranh hay gây kịch tính bằng thái độ.
Cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp Kim Yeon Koung, người đã dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia Hàn Quốc trong Thế vận hội Tokyo 2020 là ví dụ điển hình của ssenunni mới. Cô thể hiện tinh thần mạnh mẽ và cống hiến cho thể thao, trở thành hình mẫu của phụ nữ trẻ.
Korea JoongAng Daily chỉ ra điểm chung của các chương trình giải trí nổi tiếng hiện nay là thể hiện sự đoàn kết của nữ giới. SBS The Girls Who Hit Goal là chương trình có dàn sao nữ tham gia với tần suất thường xuyên nhất trong lịch sử ngành giải trí Hàn Quốc.
Trong chương trình, các nữ minh tinh tham gia đá bóng và thể hiện tinh thần đồng đội mà không ngại bất kỳ chấn thương nào. Niềm đam mê chiến thắng của họ là yếu tố tạo nên tỷ suất người xem cao. Công chúng đón nhận chương trình và nhận xét The Girls Who Hit Goal "kịch tính nhưng chân thực".
Nhờ sự nổi tiếng vượt quá mong đợi, chủ tịch đài SBS là Park Jeong Hoon công bố thực hiện mùa thứ hai của The Girls Who Hit Goal vào tháng trước.
Phụ nữ trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc thường được miêu tả là những người ghen tuông, hai mặt, âm mưu và gây ra xung đột cho gia đình hoặc bất kỳ nhóm nào. Tóm lại, phụ nữ bẩm sinh không thể hình thành mối quan hệ chân thành hoặc giúp đỡ lẫn nhau.
“Kẻ thù của đàn bà là phụ nữ” vẫn là cụm từ được sử dụng phổ biến trong cả văn hóa đại chúng Hàn Quốc và đời thực, Korea JoongAng Daily đánh giá.
Nhưng quan niệm lỗi thời đó đang thay đổi nhanh chóng, ít nhất trên màn ảnh nhỏ. Nhiều chương trình truyền hình cho thấy mối quan hệ giúp đỡ giữa phụ nữ. Chúng đang phá vỡ định kiến tình bạn và tinh thần đồng đội là những đức tính dành riêng cho nam giới.
Street Woman Fighter ngay khi lên sóng đã trở thành cơn sốt với khán giả trẻ, đặc biệt phụ nữ và trẻ em gái. Các chương trình về nữ giới trước đây của Mnet thường tập trung vào chuyện xung đột tình cảm và mâu thuẫn, cãi vã. Ngược lại, Street Woman Fighter nhấn mạnh tình bạn thân thiết giữa các thí sinh dù họ là đối thủ của nhau.
Ví dụ, khi nhóm nhảy WAYB trở thành đội đầu tiên bị loại, tất cả người tham gia đã chạy đến an ủi họ và rơi nước mắt. Ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các đội trên Street Woman Fighter vẫn cổ vũ để thể hiện sự tôn trọng đối với những màn trình diễn xuất sắc của nhau.
Chương trình giải trí của đài MBC Radio Star đã có tập riêng giới thiệu về đội bóng chuyền nữ của Hàn Quốc tại Thế vận hội Tokyo 2020. Tập phim có xếp hạng cao hơn bình thường. Người xem xúc động khi các cầu thủ hồi tưởng về cách họ đã chăm sóc nhau và bày tỏ lòng biết ơn đối với đồng đội khi thi đấu trong Thế vận hội.
“Cho đến gần đây, tôi vẫn cảm thấy có chút ác cảm với ssenunni điển hình mà tôi thấy trên TV. Việc trang điểm đậm và cách nói chuyện gay gắt của họ khiến tôi cảm thấy khó chịu”, Lee Seung Hyun, 35 tuổi nói.
“Nhưng xem các chương trình giải trí năm nay, tôi rất cảm động trước tinh thần đồng đội bền chặt giữa những người phụ nữ. Nó khiến tôi cảm thấy quan điểm của xã hội về tình đoàn kết của phụ nữ đang trải qua sự thay đổi đáng kể”, Lee Seung Hyun tiếp tục.
Định kiến về phụ nữ Hàn Quốc đang thay đổi
Sự thay đổi này không chỉ giới hạn trong các chương trình giải trí. Trong bộ phim truyền hình Mine của đài tvN phát sóng tập cuối cùng vào tháng 6, các nhân vật chính do hai diễn viên Kim Seo Hyung và Lee Bo Young đóng cũng giúp đỡ nhau ở những tình huống éo le.
Trước đây, trong loạt phim Hàn Quốc xoay quanh cuộc sống gia đình, đặc biệt các hộ gia đình giàu có, phụ nữ thường được miêu tả là những người thủ đoạn và âm mưu để mưu cầu tiền tài, quyền lực. Trong các bộ phim đó, nhân vật nữ chiến đấu với nhau để tranh giành quyền lực. Giới chuyên gia nhận định những câu chuyện như vậy đã trở nên sáo rỗng và đó là lý do việc hai người phụ nữ không cùng huyết thống hỗ trợ nhau trong Mine gây hứng thú cho người xem.
Biên kịch Baek Mi Kyung của Mine cho biết bộ phim không xoay quanh một gia đình tài phiệt, mà là sự đoàn kết của những người phụ nữ đấu tranh để chống lại những định kiến xã hội.
Mine có sự tham gia của Kim Seo Hyung và Lee Bo Young. Ảnh: tvN.
Theo nhà phê bình văn hóa đại chúng Ha Jae Heun, hình ảnh phụ nữ thay đổi trên các phương tiện truyền thông phản ánh xu hướng của giới giải trí và xã hội. Ngày càng nhiều phụ nữ đảm nhận nhân vật chính trong các chương trình giải trí và loạt phim.
“Trước đây, phụ nữ là yếu tố phụ để tạo sự vui nhộn của chương trình. Họ chủ yếu được miêu tả như một đối tượng tìnּh dụּc”, Ha Jae Heun nói với Korea JoongAng Daily.
“Nhưng ngày nay, phụ nữ cũng là nhân vật chính của các chương trình truyền hình. Khán giả đang yêu cầu được xem các nhân vật nữ thể hiện những phẩm chất mà theo truyền thống đức tính đó gắn liền với nam giới. Thế hệ MZ (Millennials và Gen Z) nhạy cảm hơn khi đề cập đến vấn đề giới tính và các chương trình truyền hình đang phản ánh sự thay đổi tâm lý này với lượng người xem chính của họ", Ha Jae Heun tiếp tục.