UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành văn bản điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Trong văn bản mới này, UBND tỉnh không đề cập nhiệm vụ của các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ vào tỉnh.
Thay vào đó, tỉnh giao cho UBND các huyện, thị xã, TP thành lập các điểm khai báo y tế tại các tuyến giao thông chính trên địa bàn quản lý.
Đối với việc đi lại của người dân, UBND tỉnh Hậu Giang quy định người dân khi đi ra ngoài tỉnh trở về hoặc người từ ngoài vào Hậu Giang không thực hiện cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch và khi về địa phương phải thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp giám sát phòng, chống dịch hướng dẫn của Sở Y tế.
Theo tìm hiểu, trong sáng 21-10, các địa phương vẫn chưa biết cách ứng xử như thế nào đối với người đã tiêm đủ hai liều vaccine, tiêm một mũi và người chưa tiêm khi về Hậu giang vì chưa rõ trường hợp nào sẽ theo dõi sức khỏe, trường hợp nào sẽ cách ly và có yêu cầu giấy xét nghiệm khi vào tỉnh hay không?
Trong hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định 1988 (thay thế Quyết định 1981 trước đó), UBND tỉnh này xác định chỉ cách ly y tế đối với người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế hay trường hợp là F1.
Cũng theo Hướng dẫn này, Hậu Giang chỉ thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... Cạnh đó, thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, như: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, xe ôm, shipper...
Quy chiếu từ các quy định này, nhiều người dân có nhu cầu muốn đến, trở về tỉnh Hậu Giang vẫn chưa nắm rõ điều kiện để đi lại như thế nào cho từng trường hợp, đặc biệt có yêu cầu giấy xét nghiệm hay không?
Qua đánh giá cấp độ dịch, Hậu Giang hiện có 73/75 xã, phường, thị trấn có dịch ở cấp độ 2. Các địa bàn này tiếp tục tạm dừng hoạt động tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, như karaoke, massage, quán bar, internet, trò chơi điện tử.
Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ đêm được hoạt động nhưng phải triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, khuyến khích áp dụng hình thức bán hàng online. Nhà hàng, quán ăn, uống được hoạt động nhưng phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, khuyến khích áp dụng hình thức bán hàng mang về.
Các cơ sở dịch vụ làm tóc, làm đẹp, rửa xe, sửa xe, các hoạt động dịch vụ phục vụ dân sinh được hoạt động nhưng công suất tối đa không quá 50% lượng khách. Bán hàng rong, vé số dạo được hoạt động nhưng phải đảm bảo điều kiện 100% người bán hàng rong, vé số dạo đã được tiêm đủ hai liều vaccine phòng COVID-19.
Hoạt động giáo dục, đào tạo tiếp tục tổ chức theo hình thức dạy, học trực tuyến và qua truyền hình. Hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.