Mới đây, chương trình Đời nghệ sĩ đã lên sóng, với sự xuất hiện của nghệ sĩ ưu tú Vân Khánh, một trong những ca sĩ nổi tiếng, gắn liền với những ca khúc về Huế, được nhiều khán giả yêu thích. Tại đây, Vân Khánh đã tâm sự về cuộc đời và sự nghiệp của cô.
Nhận được cát xê 5 ngàn đồng cho một đêm diễn
Với khán giả cả nước, chắc hẳn mọi người đều đã quen với hình ảnh một Vân Khánh hiền dịu, thướt tha bên tà áo dài.
Thế nhưng, khi rời khỏi ánh đèn sân khấu, hòa vào cuộc sống thường ngày, tôi cũng như bao người khác, là một người vợ và một người mẹ.
NSƯT Vân Khánh
Lúc này, tôi phải đối mặt với rất nhiều rắc rối, đặc biệt là con trẻ. Nhiều khi tôi muốn làm cô tiên cũng không được.
Thực sự, bản thân tôi rất nóng tính. Đây là lần đầu tiên tôi thừa nhận phần tính cách này.
Ngay từ thuở đi học, tôi đã thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường lớp và lần nào cũng có giải thưởng đem về.
Quãng thời gian ấy với tôi chỉ đơn giản là thích hát và khi hát thì được mọi người xung quanh khen hay. Tôi chưa thực sự nghĩ rằng sẽ theo đuổi con đường nghệ thuật.
Mãi đến sau này trở lại Huế để học âm nhạc vào năm 1994, tôi mới chính thức bắt đầu đi hát chạy show kiếm tiền.
Nhiều người thắc mắc, ở một tỉnh lẻ như Huế thì ca hát làm sao phát triển và sôi nổi bằng các trung tâm lớn như Hà Nội hay Sài Gòn. Thế nhưng tất cả đã nhầm, tại Huế vẫn có một mảng thị trường ca nhạc rất đặc biệt, đó là hát ca Huế trên sông Hương.
Cách hát này đã hình thành nên cả một thị trường và có đầy đủ các yếu tố tốt xấu khác nhau.
Với bản thân mình, lần hát ca Huế đầu tiên đã để lại cho tôi nhiều kỉ niệm khó quên.
Sau khi hát bài tủ Mười thương, bầu show muốn tôi hát thêm bài khác, tôi chọn ngâm thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Nhưng vì run và hồi hộp, tôi lại quên lời và ca thành một bài khác. Đêm ấy về nhà, tôi đã khóc rất nhiều.
Tuy vậy, tôi vẫn nhận được cát xê lần đầu ca Huế là 5 ngàn đồng cho một đêm diễn, coi như tiền son phấn.
Bị một ca sĩ nổi tiếng giành diễn và cách phản ứng khá gắt
Sau sự cố xấu hổ ấy, tôi được ba là nhạc công huấn luyện một khóa ca Huế, cộng với chất giọng dân ca trời cho đã giúp tôi trở thành vedette ở các sự kiện và chạy show mệt nghỉ.
Nếu các nơi khác chạy show tính theo tụ điểm thì tại Huế lại đo bằng thuyền, vậy nên một đêm cao điểm tôi hát được 4 thuyền. Thời điểm ấy ca Huế đang thịnh hành và khách du lịch đổ về theo dõi rất đông.
Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra điều bất ổn về mức cát xê của nghề hát này là ca băng, tức là dù có hát hay, hát giỏi hay hát nhiều ra sao thì tất cả các ca sĩ đều chỉ nhận về một mức cát xê giống nhau là 25 ngàn đồng cho một suất diễn.
Chưa kể, khi có tiền thưởng cũng phải chia đều như nhau. Điều này phản ánh một thực tế bất công, khiến những người có tài năng thật sự cảm thấy nản lòng.
Rũ bỏ hình ảnh một cô gái Huế, tôi khoác lên hình chiếc áo mới của người phụ nữ Sài Gòn khi Nam tiến lập nghiệp.
Từ một con người trước giờ chỉ biết giữ ý giữ tứ, nhạt nhòa và không dám bộc lộ cá tính thì Sài Gòn đã nhào nặn lại một Vân Khánh biết cách thể hiện mình, mạnh dạn bày tỏ cá tính hơn.
Vẫn là chất giọng ngọt ngào ấy, vẫn con người ấy nhưng tôi trưởng thành hơn trong giọng hát, phong cách biểu diễn và hình thức bên ngoài.
Tôi cũng gặp chuyện ma cũ bắt nạt ma mới khi Nam tiến. Thời điểm ấy là sau năm 1998, tôi đã theo học được một năm tại nhạc viện và bắt đầu nhận show đi hát trở lại.
Chiêu bài bắt nạt phổ biến nhất khi ấy là giành giờ diễn. Trong một lần đi diễn, khi đến lượt tôi hát thì bỗng có một nữ ca sĩ nổi tiếng chạy đến và giành giờ diễn, đẩy tôi xuống lượt sau.
MC dẫn chương trình cũng biết ý nên đến hỏi tôi nhường cho cô ca sĩ kia. Tôi đáp thẳng:
"Mặc dù em không vội lắm nhưng nếu chị ấy nói với em một tiếng, em sẵn sàng nhường".
Dù được tôi gợi ý, tỏ rõ sự thiện chí nhưng cô ca sĩ kia vẫn một mực không mở lời. Tôi lập tức đi gặp bầu show, xin ký lương và xin phép ra về để sang tụ điểm khác biểu diễn.