Khôi Nguyên, 10 tuổi, học lớp 5A, trường Tiểu học Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, là con đầu trong gia đình có hai anh em, bố làm cán bộ Đại học Hà Tĩnh, mẹ là giáo viên dạy Sinh học tại trường THPT Cẩm Bình.
Anh Biện Văn Quyền (bố Nguyên) cho biết con ngày bé nhút nhát, ngại tiếp xúc người lạ. Ba tuổi Nguyên mới nói được tiếng đơn, chưa thể ghép từ và có vài sở thích rất khác người, như ăn chủ yếu đồ mềm, ngoài những lúc tắm rửa thì tay không bao giờ chạm vật ướt.
"Chúng tôi từng nghiên cứu các triệu chứng chậm tiến, so sánh phản ứng của con, gọi điện nhờ chuyên gia tư vấn, song họ bảo chưa thấy biểu hiện rõ ràng. Từ đó gia đình tôi tập cho con biết đọc. Đi trên đường hay bất cứ đâu, thấy dòng chữ trên cổng chào, tấm biển quảng cáo là đọc to để cho con nghe", anh Quyền kể.
Lúc ở nhà, vợ chồng anh Quyền hoặc ông bà nội đều tranh thủ chia thời gian đọc sách để giúp cho con nhanh nói. Gần 4 tuổi, Nguyên nói thành thạo, biết đọc. Cậu bé thích cùng ông nội ngồi xem các chương trình thời sự, chính trị, lễ duyệt binh của quân đội, phim hoặc nhạc truyền thống về cách mạng.
"Gần 5 tuổi, một hôm tôi thấy con cầm quyển truyện Doremon và xem rất chăm chú. Ban đầu cứ nghĩ cháu xem tranh, song khi nhìn kỹ thì phát hiện ra bé đang đọc hiểu. Cháu sau đó đọc cả câu dài trong truyện mà không sai chính tả trước mặt mọi người khiến ai cũng bất ngờ", anh Quyền cho hay.
Nguyên đam mê những cuốn sách xã hội, đặc biệt là Lịch sử. Dịp sinh nhật 6 tuổi, cậu bé được đồng nghiệp bố tặng một cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đọc thấy hay nên háo hức xem đi xem lại nhiều lần.
"Bị cuốn hút bởi hơn 300 trang sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, em tìm đọc các sách viết về lịch sử Việt Nam và thế giới. Em có thói quen xem lại sách từ hai đến ba lần, lúc nào cũng háo hức như lần đầu tiếp cận", Nguyên kể.
Khi vào lớp 1, bố mẹ vừa mua vừa mượn sách lịch sử các cấp cho Nguyên xem. Đọc xong hết bộ sách giáo khoa lịch sử từ lớp 4 đến 12, bộ sách tiếp theo mà em tiếp cận là Lịch sử thế giới 5.000 năm. Ngoài ra, Nguyên thỉnh thoảng cùng bố đi đến các nhà sách, thư viện trong tỉnh để tìm đọc những cuốn sách về sơ lược lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới cổ đại và trung đại, lịch sử Liên Xô...
Lúc không phải đến lớp và đã làm hết bài tập, nam sinh tranh thủ thời gian rảnh rỗi tìm sách đọc. Tủ sách của gia đình có hàng trăm cuốn, ngoài chủ đề lịch sử còn có sách về văn học, khoa học, tiếng Anh... đến nay Nguyên đã xem qua ít nhất một lần. Đa số sách đều từ 100 đến 500 trang, có quyển gần 1.000 trang.
Khôi Nguyên trao đổi kiến thức về lịch sử Việt Nam với thầy giáo. Video: Đức Hùng
Nguyên cho hay, đọc một sự kiện lịch sử luôn ghi nhớ ý chính xem nó ảnh hưởng đến xã hội giai đoạn đó thế nào. Chẳng hạn, lúc tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 em phải phân tích được vì sao được gọi là sự kiện "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; hay khi xem Cách mạng tháng 10 Nga thì phải hiểu tại sao lại tác động đến toàn thế giới...
Thỉnh thoảng, bạn bè, đồng nghiệp bố mẹ đến nhà chơi, cậu bé luôn ra bắt chuyện, trao đổi và nhờ họ chỉ dạy các sự kiện lịch sử. Khi được hỏi đáp, Nguyên trả lời súc tích, đầy đủ chi tiết về các giai đoạn phát triển, phong trào, cuộc đấu tranh ở Việt Nam và thế giới từ thời phong kiến cho đến hiện đại.
Nguyên có biệt tài nhớ tiểu tiết. Cô Bùi Thị Minh, giáo viên dạy lớp 5A, trường Tiểu học Cẩm Bình, kể sáng 23/8, trong tiết kể chuyện, bạn cùng lớp kể về cuộc đời anh hùng Lý Tự Trọng với kết thúc là trước khi mất anh hát vang bài Quốc ca. Nguyên giơ tay đứng dậy bảo bạn kể sai chi tiết cuối, đó là Lý Tự Trọng đã hát bài Quốc tế ca, sau đó cất giai điệu bài hát này cho cả lớp nghe.
Nguyên cho rằng đọc sách về lịch sử cũng giúp ích rất nhiều cho các môn khác. Chẳng hạn, cách tính số thế kỷ La Mã trong sách Sử có thể bổ sung cho việc học Toán; vị trí của nhiều quốc gia trong bản đồ thế giới giúp ích nhiều cho môn Địa lý; những thành tựu, các phát minh khoa học, kỹ thuật, lịch sử kỳ Olympic... sẽ bổ trợ thêm hiểu biết về văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, thể thao. "Em đọc sách không biết chán. Chỉ một số lúc chán là không có sách mới", Nguyên cười nói.
Khôi Nguyên (hàng đầu, thứ ba từ trái qua) nhận bằng khen tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của huyện Cẩm Xuyên năm 2020. Ảnh: NVCC
Từ năm lớp 1 đến nay, mỗi dịp cuối tuần, anh Quyền luôn chở con lên thư viện tỉnh hoặc thư viện của Đại học Hà Tĩnh tìm sách đọc. Hơn một năm qua, do Covid-19, anh mượn sách về theo đề nghị của con. Những lúc đi nhà sách, cuốn nào con thích bố mẹ sẽ xem phù hợp nội dung và giá tiền không mới quyết định mua, quyển đắt nhất mà anh mua cho con đến nay giá hơn 700.000 đồng.
Cậu bé chia sẻ còn quá nhỏ để nói về ước mơ tương lai. Thời điểm này em cố gắng học thật tốt ở trường, bổ sung kiến thức lịch sử. Mục tiêu sắp tới sẽ đọc hết 55 cuốn Lê Nin toàn tập, đến nay em mới đọc đến quyển thứ hai.
Nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện và kiểm tra kiến thức lịch sử của Nguyên, thạc sĩ Đường Thế Anh, giảng viên dạy Lịch sử, Đại học Hà Tĩnh, đánh giá Nguyên không chỉ nhớ các sự kiện mà còn biết so sánh, nêu ý nghĩa của vấn đề đó. Đây là điều hiếm và đặc biệt, vượt xa ngoài kiến thức của một học sinh 10 tuổi.