“Dù rất nỗ lực nhưng 18.000 hay 1.000 trang sao kê của Thủy Tiên, Trấn Thành… là chưa đủ”

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Không ai có thể cáo bạch tài chính chỉ bằng một status cộng với vài ảnh chụp màn hình được. Họ sẽ vẫn phải chịu thị phi cho đến khi Trấn Thành, hay Thủy Tiên… thực sự lập ra quỹ từ thiện của riêng mình và có một phòng kế toán được trả lương như Bill Gates, Warren Buffett…“.
“Dù rất nỗ lực nhưng 18.000 hay 1.000 trang sao kê của Thủy Tiên, Trấn Thành… là chưa đủ”
Ông Đinh Đức Hoàng, Phó Tổng giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO

Ông Đinh Đức Hoàng, Phó Tổng giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO đã nói như vậy khi bàn về những tranh cãi xung quanh chuyện các nghệ sĩ như Thủy Tiên, Trấn Thành… làm từ thiện.

Pháp Luật nước ta đang coi việc từ thiện của Trấn Thành, Thủy Tiên là tự phát

Xem Video: Trấn Thành tung 1000 trang sao kê từ thiện

//

- Thưa anh Hoàng, thú thực là trước khi trò chuyện với anh, tôi đã gặp khó để tìm kiếm một người để trả lời thấu đáo về câu chuyện từ thiện đang rất nóng lúc này. Liệu có phải vì mạng lưới thông tin của tôi còn yếu kém, hay còn vì lý do gì?

Đinh Đức Hoàng: Đúng là số lượng tổ chức từ thiện chuyên nghiệp ở nước ta còn quá ít nên việc tìm ra người có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh phát ngôn về chuyện này thật không dễ.

Một con số gần đây tôi tìm ra: Trung Quốc có gần 650.000 tổ chức phi Chính phủ. Với dân số gần 100 triệu người, bằng 7% dân số Trung Quốc, Việt Nam đáng lẽ nên có 40.000 tổ chức. Tức là mỗi tỉnh/thành cần có 500 - 700 tổ chức thì mới tạo ra hệ sinh thái từ thiện.

Xã hội có bao nhiêu lĩnh vực, bao nhiêu đối tượng, bao nhiêu đòi hỏi đa dạng. Vậy thì phải với một con số như thế mới đủ khỏa lấp mọi nhu cầu.

Thực trạng thiếu tổ chức từ thiện chuyên nghiệp cũng chính vì nước ta đang rất thiếu khung hành lang pháp lý.

- Anh có thể nói cụ thể hơn?

Đinh Đức Hoàng: Tôi chỉ xin dẫn ví dụ: luật quy định các quỹ từ thiện chỉ được trích ra 5% tổng số tiền quyên góp để vận hành. 5% đó quá thấp và sự thật là không ai có thể vận hành được một tổ chức chỉ với 5%.

Giả dụ quyên góp được 10 tỷ đồng/năm thì đó cũng phải là một tổ chức danh tiếng. Và 500 triệu (5%) không thể nào đủ để họ thuê văn phòng, trả lương cho 1 thư ký và 1 kế toán chứ đừng nói gì chuyện xa xôi.

Câu chuyện 5% chứng tỏ: Pháp Luật đang coi hoạt động xã hội này là tình nguyện, tự phát. Quỹ phải cho đi hết. Còn phần chi phí ở giữa đáng ra để trả lương cho kế toán, thư ký, chuyên gia, người làm báo cáo, lập kế hoạch… một cách chuyên nghiệp thì họ phải tự đi huy động công sức tình nguyện.

Sẽ không thể nào có sự chuyên nghiệp khi người ta quyên góp được 10 tỷ nhưng lại chỉ có 500 triệu đồng để kiểm soát việc 9,5 tỷ còn lại có được giải ngân đúng hay không… Trong khi để giải ngân hiệu quả, họ phải đi thực địa nhiều lần, kiểm tra, kiểm soát, thực hiện các nghiệp vụ kế toán rất cẩn trọng.

Trên thế giới, ngân sách vận hành của các quỹ có thể chiếm tới hàng chục phần trăm. Quỹ Ford - một trong những quỹ đề cao tiết kiệm nhất - có tỷ lệ vàng là 20% chi cho vận hành, nhưng không phải năm nào cũng đạt được. Họ cần ưu tiên có một tổ chức lành mạnh, sống được, rồi mới nói đến chuyện giúp người, chứ không phải là "chỉ có tấm lòng".

Hay như Quỹ Bill và Melinda của vợ chồng Bill Gates, giải ngân 3 tỷ USD thì họ chi phí đến 409 triệu USD cho vận hành (tức mười mấy phần trăm). Chỉ có như thế, nhân viên của ông Gates mới có thể đến tận châu Phi, làm các nghiên cứu, báo cáo. Và tất nhiên là Bill Gates sẽ không bao giờ phải vướng phải những lùm xùm minh bạch tài chính kiểu showbiz Việt Nam dù ông ấy có gọi bao nhiêu tiền đi nữa.

- Nói như vậy thì câu chuyện một cá nhân như Thủy Tiên tự đứng lên kêu gọi tiền từ thiện bằng tài khoản cá nhân vốn đã là lỗ hổng về mặt pháp lý?

Đinh Đức Hoàng: Kể cả ở các nước phương Tây cũng không cấm kêu gọi ủng hộ bằng tài khoản cá nhân đâu. Nhưng họ sẽ có hàng rào thuế khiến cho người ta tốt nhất là phải đi qua các quỹ, có kiểm toán và minh bạch tài chính. Nước ngoài có rất nhiều hàng rào, quy chuẩn, còn chúng ta đang thiếu cả một khung pháp lý để đảm bảo cho việc từ thiện đi đúng đường.

Câu chuyện 5% chỉ là một ví dụ thôi. Nhà nước có thể đưa ra rất nhiều quy định khác. Chuyện để cho những người có tấm lòng phải đứng ra kêu gọi bằng tài khoản cá nhân chính là điều mà xã hội đang rất cần phải giải quyết.

Dù rất nỗ lực nhưng 18.000 hay 1.000 trang sao kê của Thủy Tiên, Trấn Thành… là chưa đủ

- Và khi luật pháp không có thiết chế cụ thể thì ngay cả chuyện những nghệ sĩ như Trấn Thành nhận tiền ủng hộ từ các mạnh thường quân rồi lại đem ủy thác cho người khác làm từ thiện cũng rất khó để đánh giá đúng sai…?

Đinh Đức Hoàng: Chính xác! Bởi vì chẳng có quy định nào cho nên đúng sai bây giờ đều chỉ là quan niệm.

Đối với một tổ chức có pháp nhân, sau khi nhận quyên góp thì đồng nghĩa họ đã nhận lãnh luôn trách nhiệm điều phối đồng tiền đến đúng nơi cần đến. Còn đối với cá nhân thì họ chẳng có gì để điều chỉnh, chẳng có pháp lý gì để ràng buộc.

Trước kia, khi tôi làm ở Quỹ Hy vọng (Hope) thì giả dụ xây trường hết 1,5 tỷ, nhưng kêu gọi quyên góp lên tới 2 tỷ đồng. Với tư cách một quỹ, chúng tôi có quyền điều chỉnh 500 triệu đồng đó thành tiền xây cầu, xây đường hoặc trao học bổng cho học sinh nghèo... Và bởi số tiền đó được công khai minh bạch, được báo cáo tài chính và kiểm toán bởi Deloitte - một tổ chức kiểm toán toàn cầu rất uy tín - nên không ai có thể phàn nàn được.

- Có nghĩa là ngay từ đầu, 1.000 trang sao kê của Trấn Thành hay 18.000 trang sao kê của Thủy Tiên sẽ không thể làm toàn bộ dư luận thỏ‌a mã‌n?

Đinh Đức Hoàng: Các quy trình về minh bạch trong bất cứ hoạt động liên quan đến tiền bạc nào đều đã có các nguyên tắc kế toán được xác lập và chúng ta rất dễ để tìm kiếm.

Nhưng bởi vì các nghệ sĩ khi đứng ra quyên góp thì nguồn lực của họ không đủ thuê riêng một kế toán, hay thậm chí là nhiều kế toán để xử lý khối lượng tiền mặt lớn như thế. Họ làm từ thiện chỉ vì cái tâm của mình thôi!

Cho đến bây giờ khi tranh cãi nổ ra, việc nghệ sĩ đảm bảo được các tiêu chuẩn về kiểm toán, trả lời hết mọi khúc mắc của dư luận gần như là không thể. Rõ ràng, ngay cả các doanh nghiệp lớn có bộ phận kế toán lên tới hàng chục người, đôi lúc vẫn còn khó đảm bảo được cái gọi là minh bạch.

Chẳng ai có thể cáo bạch tài chính chỉ bằng một status và vài ảnh chụp màn hình! Báo cáo tài chính của một công ty có khối lượng lớn và cầu kỳ ra sao, dù công ty đó doanh thu cũng chỉ vài tỷ đồng thôi. Trong khi Thủy Tiên đã quyên góp được số tiền lớn lên tới cả trăm tỷ đồng.

Tôi cho rằng: Trấn Thành hay Thủy Tiên đều đã rất nỗ lực, nhưng họ vẫn sẽ phải chịu thị phi cho đến khi các nghệ sĩ có tâm thực sự lập ra quỹ riêng và có một phòng kế toán được trả lương như là Bill Gates, Warren Buffett, Angelina Jolie, Jessica Chastain…

- Ý anh là với lỗ hổng trong luật như hiện nay, chính người nghệ sĩ khi tự đứng lên kêu gọi tiền ủng hộ vào tài khoản cá nhân thì đồng nghĩa với việc họ đã tự đẩy mình vào rủi ro khó có thể lường trước?

Đinh Đức Hoàng: Đúng vậy. rủi ro ở đây chính là những người có tấm lòng nhưng lại rất khó minh bạch được cho mình. Vì minh bạch là câu chuyện của những con số, của tiền bạc, của nghiệp vụ kế toán. Nó không thể được giải quyết chỉ nhờ có tấm lòng. Nó cần có những cơ chế riêng để giải quyết.

- Nhưng sự thật là dù có thành lập các quỹ thì cũng sẽ vẫn có sự hoài nghi. Giống như gần đây, không ít quỹ từ thiện có tên tuổi cũng bị đặt câu hỏi. Và chuyện nghệ sĩ lập ra quỹ từ thiện có thể cũng sẽ bị cho là để đánh bóng tên tuổi.

Đinh Đức Hoàng: Câu chuyện cuối cùng vẫn là vì số lượng các quỹ chuyên nghiệp còn quá ít. Chúng ta đang có quá ít mẫu để đưa ra kết luận.

Nếu Nhà nước bằng cách nào đó khuyến khích những người có tâm thành lập ra các tổ chức quy củ thì cái tốt chắc chắn sẽ đi lên, những thị phi và cái xấu sẽ đi xuống.

Về câu chuyện của các nghệ sĩ có đánh bóng tên tuổi hay không thì không thể có sự khái quát tiêu cực được. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng mà không cần làm từ thiện. Chúng ta không thể dùng câu chuyện của vài cá nhân để quy chụp cho cả một ngành nghề.

Đừng nghĩ mãi về "lá lành đùm lá rách", hãy nghĩ cách để cho "lá đừng rách"

- Một câu hỏi cuối cùng, theo anh cách mà nghệ sĩ cầm rất nhiều tiền mặt và đem phát cho người dân có phải là điều nên được khuyến khích?

Đinh Đức Hoàng: Phương Tây phân biệt rất rõ hai khái niệm: từ thiện (cho tiền) và hoạt động xã hội (tìm ra các giải pháp mới để giải quyết vấn đề vốn có trong xã hội). Chúng ta chưa có sự phân biệt này và đang tập trung vào cứu trợ khẩn cấp.

Điều đó xuất phát từ quan niệm "lá lành đùm lá rách". Đôi khi phải đúng là "lá rách" thì người ta mới "đùm". Còn chuyện nghĩ cách để cho lá đừng rách thì chúng ta ít quan tâm.

Tuy nhiên, gần đây tôi thấy đã có làn sóng mới. Nhiều quỹ huy động nguồn vốn để giúp người dân tái thiết cuộc sống như: xây nhà chống lũ; mua cây, con giống; trồng cây chắn sóng, ngăn xói mòn… Ví dụ tôi rất thích nhóm Một triệu cây Tre Việt. Họ quyên góp tiền để trồng tre ngăn xói mòn và giải quyết các vấn đề môi trường.

Tôi tin, Việt Nam mình sẽ ngày càng có nhiều những giải pháp mới như vậy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật