Tiểu thương Châu Đức phấn khởi mở sạp
Sáng 16/9, Trung tâm thương mại (TTTM) Ngãi Giao và TTTM Kim Long (huyện Châu Đức) cùng 14 chợ truyền thống tại các xã trên địa bàn huyện đã đồng loạt mở cửa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Xem Video: Nhịp sống bình thường mới sau những ngày giãn cách.
Bên ngoài TTTM Kim Long (chợ Kim Long), 2 chốt trực được thành lập để kiểm soát người vào, ra. Sau khi thực hiện đầy đủ phòng, chống dịch theo quy định, người dân xếp hàng chờ vào chợ theo lượt, mỗi lượt 5 người. Trong chợ chỉ có khoảng 1/3 số quầy sạp bán hàng thiết yếu được hoạt động. Tiểu thương giữ khoảng cách 2m. Tại một số quầy sạp, tiểu thương còn lắp tấm chắn bằng ni lông để bảo đảm an toàn.
Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng BQL chợ Kim Long cho biết, BQL chợ phối hợp UBND xã Kim Long kiểm soát chặt người mua bán tại chợ. Người làm việc tại chợ phải khai báo y tế trước khi vào. Tiểu thương phải đáp ứng đủ điều kiện tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 còn hiệu lực (72 giờ) và ký cam kết bảo đảm các quy định phòng dịch.
Hơn 30 năm bán hàng tạp hóa tại chợ Kim Long, bà Đoàn Thị Tha (thôn Hưng Long, xã Kim Long) vui vẻ nói: “Sau hơn 2 tháng đóng cửa, nhiều mặt hàng đã hết hạn sử dụng. Vì vậy tôi phải lên danh sách các mặt hàng cần nhập thêm. Chợ truyền thống là linh hồn của làng quê, vừa qua bị phong tỏa nên bà con đều ý thức được ảnh hưởng của dịch bệnh. Chúng tôi đều chấp hành nghiêm các quy định để chợ được mở cửa hoạt động xuyên suốt”.
Ông Lê Chí Thưởng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Châu Đức cho biết, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và BQL chợ, thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch để có hướng xử lý kịp thời.
Xuyên Mộc từng bước mở lại một số hoạt động
Ngày 16/9, một số phòng, ban chuyên môn huyện Xuyên Mộc đã kiểm tra, đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch tại 6 chợ gồm: Bàu Lâm, Tân Lâm, Hòa Hưng, Hòa Bình, Phước Tân, Phước Bửu nhằm chuẩn bị mở lại các chợ. Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện cho biết, dự kiến chợ Phước Bửu và Bàu Lâm sẽ mở cửa trở lại vào ngày 20/9; chợ Tân Lâm, Hòa Hưng, Hòa Bình mở lại vào ngày 25/9, riêng chợ Phước Tân vẫn tiếp tục đóng cửa vì là chợ tạm, không đáp ứng đủ điều kiện phòng, chống dịch theo quy định.
Ngày 17/9, huyện tiếp tục kiểm tra, giám sát việc đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch tại các chợ: Hòa Hiệp, Hòa Hội, Xuyên Mộc, Bông Trang, Bưng Riềng, Bình Châu.
Trước thông tin chợ truyền thống sắp hoạt động trở lại cùng với một số dịch vụ khác, người dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc rất phấn khởi. Bà Bùi Thị Xuân, ấp 4, xã Bưng Riềng nói, việc đi lại trong địa bàn xã đã được nới lỏng hơn. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu nên gia đình bà chỉ ra ngoài mua thực phẩm cần thiết. “Một số cửa hàng tạp hóa trên địa bàn ấp được phép mở cửa nên việc mua hàng cũng thuận tiện hơn, bà con phấn khởi lắm. Theo tôi, mọi người cần tiếp tục chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch để dịch bệnh được kiểm soát từng bước mở cửa thêm các hàng quán phục vụ người dân”, bà Xuân nói.
Ông Tống Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Bưng Riềng cho biết, chợ dân sinh chưa được phép mở cửa, nhưng một số cửa hàng như: tạp hóa, quán ăn (bán mang về) được mở cửa trở lại với điều kiện có sự đồng ý của các cơ quan chức năng và phải tuân thủ, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cụ thể, trước mỗi hàng, quán phải căng dây để giữ khoảng cách giữa người bán với người mua, không tập trung đông người, trước mỗi cửa hàng phải có mã QR code để người mua hàng quét mã, thuận tiện cho việc truy vết.
Theo UBND huyện Xuyên Mộc, hiện nay ngoài chợ truyền thống, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mặt hàng thiết yếu trên địa bàn huyện cũng đã thực hiện đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch theo quy định với số lượng 562 cơ sở. Riêng những cơ sở ăn uống phần lớn vẫn đóng cửa, chỉ có vài cơ sở kinh doanh thực hiện hình thức đặt hàng trực tuyến và nhân viên giao hàng là nhân viên cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa. Đối với hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ, trên địa bàn huyện có 208 công trình đang triển khai. Qua rà soát, có 200 công trình bảo đảm biện pháp phòng chống dịch, đủ điều kiện hoạt động xây dựng.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, trong ngày 16/9, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mặt hàng thiết yếu trên địa bàn các xã, thị trấn đồng loạt mở cửa trở lại phục vụ người dân. Các dịch vụ như: sửa xe, xây dựng nhà ở riêng lẻ nếu bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch cũng được phép hoạt động. Ngoài ra, 191 DN đang nộp phương án trình phê duyệt để hoạt động.
Người dân Côn Đảo đi chợ mua thực phẩm. Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Cắt tóc, thể dục thể thao được hoạt động tại Côn Đảo
Tính đến ngày 16/9 là tròn một tháng huyện Côn Đảo được UBND tỉnh quyết định áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Côn Đảo, các chợ, siêu thị mini, cửa hàng kinh doanh mặt hàng thiết yếu được phép hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân. Các loại hình kinh doanh ăn, uống được bán mang về, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định 5K về phòng, chống dịch. Các hoạt động thể dục thể thao như: bóng bàn, cầu lông, tennis, tập gym, yoga được phép hoạt động nhưng không quá 10 người/địa điểm. Tiệm cắt tóc, nail được hoạt động nhưng không quá 5 người trong 1 phòng, bao gồm thợ và khách.
Cô Lê Thị Ngọc Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A, Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Côn Đảo hướng dẫn học sinh học tập. Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Đặc biệt, Côn Đảo là địa phương duy nhất của tỉnh cho HS phổ thông (từ cấp Tiểu học đến THPT) được đến trường để học trực tiếp trên lớp thay vì học trực tuyến. Để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các trường sắp xếp chia ca sáng và chiều, mỗi lớp không quá 20 học sinh/ca.
Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, ngày 13/9, ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo đã ký báo cáo đề xuất UBND tỉnh cho phép mở lại các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng chống dịch COVID-19 sau ngày 22/9 theo phương châm “mở đến đâu an toàn đến đó”. Trong đó, Côn Đảo kiến nghị tỉnh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát được phục vụ tại chỗ không quá 30% công suất, bàn cách bàn từ 2m trở lên; cho phép ngư dân Côn Đảo đi biển đánh bắt hải sản gần bờ, thực hiện các quy trình về phòng chống dịch. Huyện tổ chức dạy, học bình thường đối với giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; cho phép người dân Côn Đảo được hoạt động tắm biển buổi sáng từ 5 giờ đến 7 giờ, buổi chiều từ 16 giờ đến 18 giờ, không tụ tập nhóm quá 10 người; cho phép người dân cư trú trên địa bàn huyện Côn Đảo được viếng Nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang Hàng Keo, không quá 10 người/1 lần viếng, sáng từ 6 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 18 giờ và phải đăng ký trước 1 ngày với Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo...