Theo truyền thống, phụ nữ Motu, trên quốc đảo Papua New Guinea phải xăm hình từ đầu đến chân, trong khi đó, đàn ông xăm trổ trên ngực thể hiện cho vinh quang và chiến thắng.
Ban đầu xăm mình được hiểu đơn giản một cách làm đẹp của phụ nữ trong bộ tộc. Việc trang trí cơ thể bằng những hình xăm với đủ kích thước và hình dạng được cho là giúp người phụ nữ trở quyến rũ hơn.
Chính vì vây, ngay từ nhỏ, trong khi những cô bé cùng tuổi đang mải mê chơi đùa, thì những bé gái ở bộ tộc Motu đã phải chịu đựng những đau đớn tột cùng về thể xác để có những hình xăm đẹp nhất.
Quan trọng hơn cả, theo phong tục của bộ tộc, một cô gái không có những hình xăm trên cơ thể sẽ không được cho đi lấy chồng và cũng không có chàng trai nào thèm để ý đến họ.
Thông thường những hình xăm mang tính nghi lễ nhưng cũng không ít hình trong số đó mang tính gợi dục.
Những cô bé từ 5-7 tuổi sẽ được xăm hình lên lưng, cánh tay và cẳng tay. Từ 7-8 tuổi, các bé gái được xăm hình lên mặt, vùng bụng dưới, thậm chí là vùng từ â.m hộ lên đến rốn, từ thắt lưng xuống đến đầu gối và ngoài bắp đùi.
Khi 10 tuổi, các bé gái sẽ được xăm thêm vùng dưới cánh tay mở rộng sang vùng ngực và lên đến cổ họng.
Khi đến tuổi dậy thì, các bé gái sẽ được xăm thêm phần sau lưng kể từ hai vai trở xuống, sau đó là mông và phía sau bắp chân. Trước khi cưới, các cô gái sẽ được xăm một hình chữ V kéo dài từ cổ xuống tới rốn.
Theo truyền thống những nghệ nhân xăm hình luôn luôn là phụ nữ và từng vùng da khác nhau trên cơ thể của các cô gái phải do những nghệ nhân khác nhau thực hiện.
Những hình xăm trên mặt thường được trả công cao hơn vì việc thực hiện đòi hỏi phải có kinh nghiệm và thường nguy hiểm hơn.
Sau chiến tranh Thế giới II, phong tục này của nhiều bộ tộc ở Papua New Guinea dần phai nhạt. Ngày nay, khi tới thăm các bộ tộc ở Papua New Guinea, cơ thể họ đã gần như không còn "rạng rỡ" với các hình xăm nữa.
Một phần vì họ không chăm chút đến các hình xăm như trước, phần sau là do bụi bẩn trong khu rừng nhiệt đới ẩm bao phủ lên cơ thể khiến cho người đối diện khó nhận ra được các vết xăm.
Tuy vậy, dù đã bị mai một nhưng tục xăm mình này vẫn được coi như một nét văn hóa độc đáo, rất riêng của bộ tộc Motu và các bộ tộc khác ở quần đảo Papua New Guinea.