Tin liên quan
Giãn cách cơ học có cắt được đà lây nhiễm cộng đồng?
Kể từ khi đợt dịch thứ 4 (từ 27.4.2021) bùng phát đến nay, TP.HCM trải qua nhiều đợt giãn cách ở các cấp độ khác nhau, đều với mục tiêu kiểm soát cho bằng được dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, ngày 31.5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Thời điểm ngày 31.5, TP.HCM ghi nhận 51 ca nhiễm.
Đến ngày 9.7, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn thành phố. Thời điểm ngày 9.7, TP.HCM ghi nhận 1.229 ca nhiễm.
Đến ngày 23.8, TP.HCM siết chặt giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”, với mục tiêu đến 15.9 cơ bản khống chế dịch bệnh Covid-19. Thời điểm ngày 23.8, TP.HCM ghi nhận 4.251 ca nhiễm.
Sau hơn 3 tháng liên tục giãn cách xã hội, nhiều khu vực ở TP.HCM vẫn còn là vùng đỏ - vùng nguy cơ cao về Covid-19
Như vậy, liên tục suốt hơn 3 tháng qua (tính từ ngày 31.5), về giãn cách cơ học, TP.HCM áp dụng nhiều cấp độ, càng về sau cấp độ càng siết chặt. Hầu hết cơ sở kinh doanh, dịch vụ (ngoại trừ dịch vụ thiết yếu) đều “đóng băng”, nhưng đà lây nhiễm trong cộng đồng chưa ngăn chặn được triệt để.
Minh chứng là, số ca dương tính ngày 2.9 ghi nhận 5.963 ca, cho thấy dịch đã “ngấm sâu” trong cộng đồng trong suốt các đợt giãn cách.
Vắc xin đã bao phủ tới đâu?
Ngày 1.9, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cho biết có 6.219.536 người đã tiêm vắc xin, trong đó mũi 1 là 5.876.039 người, mũi 2 là 343.497 người.
Theo dự kiến có khoảng 7,2 triệu người (từ 18 tuổi trở lên) ở TP.HCM cần tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM từng công bố, thì còn khoảng 1 triệu người nữa cần tiêm mũi 1; khoảng 6,8 triệu người cần tiêm mũi 2.
Về nguồn vắc xin, ngày 1.9, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết ngày 30.8, Bộ Y tế quyết định phân bổ cho TP.HCM thêm 2 loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer với tổng số 1.000.960 liều. Hai loại vắc xin này sẽ được dùng để tiêm mũi 2 cho người đã đủ thời gian tiêm theo khuyến cáo. TP.HCM tập trung tiêm vắc xin những người đã tiêm vào đợt 4 (khoảng ngày 20.6). Cho đến nay, những người này đã tiêm được gần 11 - 12 tuần.
Như vậy, với hơn 1 triệu liều được cấp vào ngày 30.8 và TP.HCM triển khai tiêm ngay mũi 2 vào thời điểm này, thì vẫn còn lại khoảng 5,8 triệu người cần tiêm mũi 2.
Nếu căn cứ vào yếu tố dịch tễ được cho là an toàn dựa trên tỷ lệ bao phủ vắc xin đủ 2 mũi để tính toán phương án giãn cách cụ thể nhất, thì vấn đề mấu chốt, đều phải liên quan con số khoảng 5,8 triệu người cần tiêm mũi 2 (tính từ thời điểm này về sau).
Trên địa bàn TP.HCM cũng đã có hàng ngàn vùng xanh - vùng cơ bản không có ca nhiễm Covid-19, nhưng vẫn "nội bất xuất, ngoại bất nhập" hàng tháng qua
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã xây dựng lộ trình tiêm vắc xin thời gian tới, theo 4 giai đoạn bắt đầu từ ngày 29.8 đến ngày 31.12.2021, với tổng số lượng vắc xin cần sử dụng khoảng 8.145.900 liều (trong đó, mũi 1 khoảng 1,4 triệu liều, mũi 2 khoảng 6.745.900 liều).
Như vậy, nếu xét về độ bao phủ vắc xin đảm bảo an toàn dịch tễ cho người từ 18 tuổi trở lên (đủ cả 2 mũi), thì theo kế hoạch, về lý thuyết, tới ngày 31.12.2021 mới có thể đạt được.
Đã tiêm đủ liều vắc xin mà vẫn “ở yên” thì rất phí
Trao đổi với PV Báo , TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh về vai trò của bao phủ vắc xin. Cụ thể, người tiêm đủ liều 2 mũi vắc xin nên được đi làm lại bình thường.
Phân tích thêm, TS Nguyễn Huy Nga nói: “tiêm vắc xin, bao phủ vắc xin là yếu tố quan trọng để giảm ca mắc, giảm lây nhiễm, đặc biệt là giảm các ca bệnh nặng phải thở máy, tử vong, tránh quá tải cho hệ thống y tế”.
Trong đó, theo TS Nguyễn Huy Nga, một trong những nhóm ưu tiên trước tiên về vắc xin, là vẫn cần dành cho những người cao tuổi, người có bệnh nền, người yếu thế. Vì đó là nhóm người rất dễ diễn biến nặng, điều trị dài ngày và nguy cơ tử vong cao. Nếu phòng được cho họ, không chỉ hiệu quả về mặt sức khỏe, bảo vệ được người dân và còn tránh cho hệ thống y tế bị quá tải. Trong khi đó, với nhóm trẻ tuổi dưới 40, không béo phì, không bệnh nền thì hầu hết mắc Covid-19 là mức độ nhẹ, thậm chí, triệu chứng thoáng qua, hoặc không triệu chứng.
Trong chuyến công tác kiểm tra phòng chống dịch tại TP.HCM vào ngày 24.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP.HCM đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội
Tuy nhiên, TS Nguyễn Huy Nga lưu ý, người tiêm vắc xin mũi 1 vào thời điểm này, thì phải đến khoảng 1,5 tháng nữa mới có tác dụng bảo vệ. Sau mũi 1 cần tiếp tục tiêm mũi 2 (thường cách 4 tuần), và khoảng 14 ngày sau tiêm đủ 2 mũi mới có miễn dịch tốt. Nhưng ngay cả khi được tiêm đủ liều vắc xin (2 mũi), cũng không thể bảo vệ 100% người tiêm, dù hầu hết sẽ được giảm tình trạng nặng.
Do đó, để phòng lây nhiễm, kiểm soát dịch hiệu quả, tránh lây lan, mỗi người sau tiêm vắc xin cần tuyệt đối không chủ quan; vẫn cần thực hiện khuyến cáo 5K cũng như tuân thủ phòng lây nhiễm cho người khác.
Đáng lưu ý, TS Nguyễn Huy Nga cho hay, những người trong độ tuổi lao động, sau tiêm đủ 2 mũi vắc xin cần được đi làm lại bình thường vì họ đã được bảo vệ.
“Nếu sau tiêm đủ liều, mà vẫn ngồi 1 chỗ tại nhà như chưa tiêm vắc xin thì rất phí, không phát huy được vai trò của công tác triển khai tiêm vắc xin. Tuy nhiên, như đã nói, họ cần tuân thủ các biện pháp phòng lây nhiễm. Và thay vì kiểm tra xét nghiệm, dần dần nên chú trọng kiểm tra việc tiêm chủng đầy đủ”, ông Nga nêu ý kiến.
Chỉ nới giãn cách khi đủ điều kiện
Đề cập về mức độ giãn cách xã hội sau mốc thời gian ngày 6.9 và ngày 15.9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho hay TP.HCM không thể thực hiện mãi Chỉ thị 16, nhưng có nới lỏng giãn cách hay không thì phải có điều kiện.
“Đến giờ này chưa thể nói được rằng sau ngày 6.9 và sau ngày 15.9 sẽ như thế nào. Trước mắt chúng ta cứ phải tập trung vào các công việc như tiêm vắc xin, phân phối túi an sinh, chính sách chăm sóc hộ khó khăn, tăng tốc xét nghiệm, điều trị F0 tại nhà. Đó là những công việc tiếp tục cố gắng để kiểm soát được dịch bệnh Covid-19”, ông Hải nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, giãn cách cơ học và kiểm soát bằng giấy đi đường như hiện nay không thật sự ý nghĩa. Thay vào đó, cần sớm tính toán "mở cửa" kinh tế dựa trên cơ sở bao phủ vắc xin, và kiểm soát người ra đường dựa vào yếu tố dịch tễ (tiêm hay chưa tiêm vắc xin)
Trao đổi thêm với PV Báo , một Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, nói rằng việc nới lỏng hay tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian tới của TP.HCM sẽ dựa trên tham vấn, chỉ đạo từ Trung ương.
Trong khi đó, phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM mở rộng chiều tối 30.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá chặng đường thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh rất gian truân, nhưng bước đầu có niềm tin để thực hiện tiếp đợt tăng tốc đã đề ra.
“Không thể cứ phải thực hiện Chỉ thị 16 mãi được, nhưng cũng không thể nới rộng giãn cách khi chúng ta chưa đủ điều kiện. Phải đủ điều kiện cần và đủ tương đối mới có thể nới rộng các giải pháp giãn cách”, ông Nên khẳng định.
Do đó, theo ông Nên, thời điểm này cần hết sức bình tĩnh, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để đền đáp những kỳ vọng của người dân TP.HCM.