Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa nghe báo cáo và cho ý kiến về dự thảo Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Trong số các kiến nghị về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố thì kiến nghị về xây dựng Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng được xem là kiến nghị sẽ tạo ra sự đột phá cho Hải Phòng.
Nội dung dự thảo Đề án về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho phát triển thành phố Hải Phòng gồm 13 cơ chế như: chính sách về các lĩnh vực quản lý phát triển, đất đai, quy hoạch, đầu tư, tài chính-ngân hàng, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý,…
Trong đó, 9 cơ chế chính sách đặc thù hiện đang được áp dụng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng sẽ đề xuất 4 cơ chế, chính sách áp dụng tương tự và 5 cơ chế, chính sách áp dụng với mức cao hơn.
Có 4 cơ chế, chính sách mới do thành phố đề xuất, trong đó có 1 điểm thể hiện tính đột phá theo hướng Hải Phòng là địa phương thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới của đất nước. Đó là cơ chế quản lý phát triển: Tổ chức nghiên cứu và triển khai xây dựng khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng. Đề xuất này sẽ dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, nhất là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới.
Cảng biển là lợi thế để Hải Phòng tạo ra những đột phá phát triển.
Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh, riêng kiến nghị về tổ chức nghiên cứu và triển khai xây dựng khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng là kiến nghị đột phá của Hải Phòng, để thành phố có đủ điều kiện thực hiện thành công Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đặt ra với Hải Phòng là rất lớn, không chỉ vì sự phát triển của thành phố, mà còn vì sự phát triển chung cho cả vùng và của đất nước, để Hải Phòng là nơi hội tụ nguồn lực và lan tỏa sự phát triển.
Được biết, cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm đối với thành phố Hải Phòng đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước. Việc phát triển không chỉ riêng với Hải Phòng mà còn vì sự phát triển chung của cả nước và thực hiện chức năng đầu mối liên kết-hội nhập phát triển vùng, là địa phương thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới của đất nước. Đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Hải Phòng, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của thành phố.
Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Hải Phòng có nhiều đột phá, trong đó hạ tầng giao thông là một điển hình.
Cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Hải Phòng phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước, đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển tầng kinh tế-xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Để kịp đưa ra xem xét tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với đơn vị tư vấn dự thảo Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho phát triển thành phố Hải Phòng để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối để trình Chính phủ trước ngày 25/8.
Được biết, Khu thương mại tự do là mô hình được xây dựng và áp dụng thành công ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Năm 2013, Trung Quốc thí điểm Khu thương mại tự do Thượng Hải và mô hình này rất thành công. Đến năm 2019, quốc gia này đã nâng tổng số lên đến 19 Khu thương mại tự do trong cả nước.