Anh Quốc Thiện, shipper có thâm niên của một hãng giao hàng nhanh tại TP HCM cho biết, hôm 4/8 nhận được đơn giao từ quận 7 sang quận Bình Tân (TP HCM) trên ứng dụng giao hàng. Thấy chạy liên quận, anh định từ chối nhưng người đặt gọi điện đến thuyết phục và khẳng định chỉ giao một thùng hàng hoàn toàn là thực phẩm gồm gạo, rau củ, thịt đông lạnh... Người đặt cho biết vừa nhận lương nên mua và giao đồ ăn cho mẹ đang ở trong khu phong tỏa, thiếu thức ăn nhiều ngày. Nghe thế, anh nhận giao ngay.
Tuy nhiên, đến một chốt trực tại quận 5, anh Thiện bị một cảnh sát giao thông chặn lại. Anh xuất trình đủ bộ nhận diện shipper theo quy định, mở thùng hàng chỉ toàn thực phẩm cho cán bộ kiểm soát và trình bày đang giao thực phẩm đến khu phong tỏa. Tuy nhiên, anh Thiện vẫn bị lập biên bản.
Tài xế này kể lại, tiếp anh có nhiều cán bộ chốt trực, mỗi người giải thích khác nhau về việc anh bị phạt. Ban đầu, một cán bộ nói rằng anh không được phép giao liên quận vì việc này đã có lực lượng shipper riêng đảm trách theo quy định. Lúc sau, một cán bộ khác lại giải thích, các tài xế chỉ được giao hàng thiết yếu vào bệnh viện chữa trị Covid-19, khu cách ly tập trung chứ không phải các hẻm bị phong tỏa.
Sau khi nhận biên bản, anh Thiện thuật lại cho khách hàng đã đặt đơn giao. Người này thông cảm và gửi anh hai triệu đồng để nộp phạt. "Nhận tiền hỗ trợ, mình rất cảm động vì khách hàng vừa hiếu thảo, vừa có lòng tốt", anh nói.
Trên các nhóm cộng đồng tài xế công nghệ, không ít thành viên chia sẻ chuyện bị phạt trong những ngày qua. Các tài xế đều khẳng định, bản thân đã tuân thủ đúng bộ nhận diện shipper và chỉ giao hàng liên quận với các sản phẩm thiết yếu, nằm trong khu phong toả.
Tài xế Trịnh Trung cho biết, anh thấy nhiều đồng nghiệp bị xử lý vi phạm tại một chốt kiểm soát tại quận Tân Bình. Theo anh, ngoài những shipper không tuân thủ đủ quy định, một số người cũng bị phạt vô cớ vì "cách hiểu không đồng bộ của cán bộ trực chốt".
Liên quan đến vấn đề trên, Đại diện Sở Giao thông Vận tải cho hay, theo yêu cầu kiểm soát đi lại trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, shipper khi giao hàng thiết yếu cho người ở khu phong toả, cách ly, cơ sở y tế, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 được chạy liên quận, thời gian từ 6-18h.
Theo đó, ngoài đồng phục, thùng hàng, logo, giấy thông hành do doanh nghiệp cấp, ứng dụng quản lý đơn hàng... các shipper phải mang bảng tên kèm hình, xác nhận doanh nghiệp và mã nhận diện QR; băng đeo tay nền xanh đậm... Trong đó, địa điểm giao hàng phải có cụ thể để được kiểm tra.
Một cán bộ cảnh sát giao thông Công an quận 11 cho biết thêm, trên mã QR và thẻ đeo sẽ hiển thị thông tin địa bàn hoạt động của shipper. Trường hợp giao hàng thiết yếu đến các khu cách ly, phong toả.... trên mã QR sẽ hiển thị để lực lượng chức năng kiểm tra. Nếu địa điểm chính xác, các shipper sẽ được qua chốt để di chuyển liên quận.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship xác nhận, mặc dù shipper đã tuân thủ đúng quy định, nhưng vẫn sẽ có những bất cập diễn ra trên thực tế. Đó có thể là bất cập về giao liên quận hoặc những quy định về hàng thiết yếu khi mà sự áp dụng tại các chốt kiểm dịch chưa thật sự đồng nhất. Điều này dẫn đến tâm lý sợ sệt của shipper trong quá trình giao hàng.
Với những tài xế bị xử phạt vi phạm hành chính dù đã thực hiện đầy đủ quy trình vận hành, Loship sẽ hỗ trợ toàn bộ khoản phạt. Mức hỗ trợ sẽ căn cứ dựa trên biên bản với mức tối đa hai triệu đồng mỗi trường hợp. Tuy nhiên, chính sách này chỉ hỗ trợ khi shipper đang thực hiện đơn hàng. Khi tài xế giao xong đơn hàng mà bị phạt, công ty không hỗ trợ.
Trước đó, MrSpeedy và Grab cũng triển khai chính sách hỗ trợ cho các shipper với các điều kiện tương tự. Riêng MrSpeedy quy định, tổng số tiền hỗ trợ tối đa từ ngày 3/8 cho đến khi có thông báo mới là ba triệu đồng mỗi shipper.
Theo đại diện Loship, chính sách trên được đưa ra không nhằm mục đích khuyến khích shipper lơ là những quy định của chính quyền. Vì tại mọi thời điểm, chỉ những tài xế thực hiện đầy đủ quy trình vận hành theo yêu cầu mới được nhận hỗ trợ.
"Các chính sách hỗ trợ đưa ra giúp shipper an tâm hoạt động và thêm vững tay lái, từ đó gia tăng lực lượng giao hàng phục vụ nhu cầu giao vận thiết yếu của xã hội", ông Trung nói thêm.
Trong thời gian TP HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, không chỉ xảy ra bất cập liên quan đến câu chuyện xử phạt của shipper, trước đó, tại cuộc họp với UBND thành phố, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA) Lý Kim Chi cho biết, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu như thịt, trứng sau 18h.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cho biết, những vướng mắc tại các chốt kiểm soát là do lực lượng trực làm việc chủ yếu là nhân viên tăng cường, tùy theo nhận thức mà cách hiểu, cách làm có giới hạn và UBND thành phố sẽ tiếp tục chấn chỉnh.