Xa xưa Đại Bái có tên là làng Bưởi nổi tiếng giàu có, hưng thịnh xứ Kinh Bắc với câu ca rằng :
“Muốn ăn cơm trắng, cá trôi/ Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh
Muốn ăn cơm trắng cá ngần/ Thì về làng Bưởi cầm cân buôn đồng
”
Nghề đúc đồng đã mang lại sự phồn vinh và no đủ cho ngôi làng bên bờ dòng sông Đuống trong nhiều thế kỷ dài. Dẫu không tránh khỏi quy luật thịnh suy của làng nghề, nhưng vượt qua những thăng trầm của thời thế, đường làng ngõ phố Đại Bái hôm nay vẫn vang lên tiếng búa trạm trổ, vẫn nhộn nhịp tiếng xe cộ của thương lái khắp vùng về lấy hàng và sự rạng rỡ, ấm no hiện lên trên khuôn mặt mỗi người dân làng nghề.
Lịch sử về nghề đúc đồng ở Đại Bái được nhiều nguồn sử sách cho rằng có từ khoảng những năm đầu thế kỷ 11, do công của Tổ nghề Nguyễn Công Truyền làm quan dưới triều Lý. Sau khi cáo quan về quê ông đã mang lò rèn về quê hương Đại Bái và từ đó truyền nghề cho dân làng. Những sản phẩm đầu tiên của Đại Bái là đồ dùng gia đình thô sơ: Chậu thau, mâm, nồi niêu xoong chảo được luyện từ đồng. Trải qua hơn 4 thế kỷ phát triển, đến cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, làng có năm vị tiến sỹ đỗ đạt ra làm quan trong triều, quan tâm đến nghề cổ truyền của quê hương nên đã mở rộng sản xuất, phân công chuyên môn hóa từ đó hoạt động của làng nghề ngày càng mở rộng, quy củ và phát triển hơn rất nhiều.
Nhờ có sự hướng dẫn, phân công lao động mà Đại Bái có thời kỳ phát triển đỉnh cao khi đạt đến sự chuyên môn hóa chặt chẽ với sự phân chia : Phường làm mâm, phường làm chậu thau, phường làm ấm, phường mua nguyên liệu…Những kỹ thuật luyện đồng, mẫu mã sản phẩm cũng đa dạng và tinh xảo hơn rất nhiều. Các thợ nghề đã lấy đất sét bên bờ sông về làm lò luyện đồng, lấy bùn ao nhào với trấu làm nơi luyện đồng, pha chế đồng để luyện đồ đạt đến độ tinh xảo. Những mẫu mã mới, đồ thờ : Lư đồng, bát hương, đỉnh đồng, tượng đồng được ra đời. Thợ đồng Đại Bái có bí quyết nấu đồng, rót đồng rất riêng và không truyền nghề ra ngoài. Nên sản phẩm Đại Bái khi đạt đến độ đỉnh cao được nhiều lái buôn tìm về để phân phối khắp các vùng trong cả nước.
Đồ thờ làm từ đồng Đại Bái. (Ảnh: Luyện Bùi)
Dẫu không tránh khỏi những thăng trầm của thị trường, những đổi thay của thời cuộc, Đại Bái cũng có lúc rơi vào suy thoái, sản phẩm ngưng trệ loay hoay tìm kiếm đầu ra. Nhưng với những nỗ lực của những người con làng nghề, với những đổi thay, cải tiến, sáng tạo trong từng sản phẩm, từng chi tiết đến nay sản phẩm đồng làng Đại Bái đã được gây dựng lại thương hiệu và làng nghề lại nhộn nhịp như xưa.
Làng Đại Bái vẫn giữ được sự chuyên môn hóa, mỗi khu chuyên một loại sản phẩm như : xóm Sơn chuyên đồ thờ và chậu, xóm Tây chuyên về mâm, chiêng, cồng…, xóm Giữa chuyên niêu, siêu và xóm Ngoài chuyên nồi. Sản phẩm Đồng Đại Bái vẫn giữ vững thương hiệu và tạo được dấu ấn đối với người tiêu dùng trong cả nước.
Ngoài việc vẫn giữ được nghề cổ truyền sau hàng nghìn năm lịch sử đổi thay thăng trầm thì Đại Bái còn gìn giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị : Lăng tổ nghề Nguyễn Công Truyền, đình Văn Lãng, chùa Diên Phúc… Hàng năm Đại Bái vẫn tổ chức hội làng long trọng, ôn lại truyền thống nghề đúc đồng, tôn vinh những đóng góp của các thợ nghề cho sự phát triển của làng quê.