Tin liên quan
Bác sĩ người Pháp Xavier Roux là trưởng khoa phẫu thuật thần kinh của bệnh viên Sainte Anne, Paris, Pháp. Năm 2008, ông từng được điều đến Triều Tiên khẩn cấp để điều trị cho ông Kim Jong-il tại bệnh viện Hội Chữ Thập đỏ ở Bình Nhưỡng sau cơn đột quỵ vì bệnh tim.
Chuyến khám bệnh và điều trị kéo dài hai tháng đã mang đến cho ông Roux cơ hội mà không phải người phương Tây nào cũng có được, đó là tiếp cận với chính quyền Triều Tiên và có một cái nhìn cận cảnh về nhà lãnh đạo đầy bí ẩn Kim Jong-il của nước này.
Giới chức Triều Tiên lần đầu liên lạc với ông Roux qua điện thoại là vào năm 1993, sau khi ông Kim bị thương nhẹ ở đầu vì gặp tai nạn trong khi cưỡi ngựa và đến nay bác sĩ Roux vẫn không giải thích được họ tìm ra ông bằng cách nào.
Cách đây ba năm, quan chức Triều Tiên một lần nữa liên hệ với ông Roux khi chủ tịch nước này bị đột quỵ, điều mà chính quyền chưa bao giờ chính thức thừa nhận. Lần này, Triều Tiên sắp xếp cho bác sĩ Roux đến Bình Nhưỡng cùng một số bác sĩ người Pháp khác. "Khi họ đưa tôi đi năm 2008, tôi không hề biết người mà tôi sắp gặp là ai", ông Roux nói. "Họ không nói gì và hoàn toàn giữ bí mật".
Sau khi đáp máy bay xuống Bình Nhưỡng, ông Roux được đưa thẳng đến bệnh viện và được giao hồ sơ bệnh lý của một số bệnh nhân giấu tên. Ông được yêu cầu đưa ra các chẩn đoán và cách chữa trị cho từng người. Tình trạng của hầu hết các bệnh nhân không có gì nghiêm trọng nhưng có một hồ sơ làm ông lo lắng. Sau vài giờ tham vấn, ông Roux nhận được sự đồng thuận từ nhóm bác sĩ địa phương để gặp bệnh nhân. Người này chính là chủ tịch Kim Jong-il.
"Khi tôi đến, ông ấy đang bị hôn mê, tình trạng sức khỏe rất xấu và được chăm sóc đặc biệt", ông Roux kể. "Nhiệm vụ của tôi là phải cố gắng cứu sống ông ấy bằng cách thảo luận với các bác sĩ khác và đưa ra những lời khuyên. Tính mạng ông ấy đang bị đe dọa".
Tuy nhiên, vì quyền lợi của bệnh nhân và bí mật quốc gia, ông Roux từ chối tiết lộ về việc khám bệnh cho ông Kim và cách chữa trị mà ông đề xuất. Ông Roux kể khi ông quay lại Pháp 10 ngày sau đó, ông Kim đã tỉnh lại và có thể nói chuyện được. Ông Roux gặp lại chủ tịch Triều Tiên thêm hai lần vào tháng 9 và tháng 10/2008 trong những chuyến thăm theo chỉ thị của chính quyền.
Bác sĩ Pháp kể rằng lúc đó, ông Kim bắt đầu nhận thức được tình trạng sức khỏe của mình và lo lắng giống như mọi bệnh nhân khác khi vừa tỉnh lại sau cơn đột quỵ. Ông Kim muốn biết liệu sức khỏe của ông ấy có thể hồi phục lại như bình thường không. Ông Kim đã hỏi bác sĩ rất nhiều điều. Chủ tịch Triều Tiên chỉ bị sút cân nhẹ nhưng lại phải chịu đựng những ảnh hưởng về lâu dài. Khả năng ông tiếp tục bị đột quỵ cũng tăng lên theo thời gian.
Ông Roux cho biết chính quyền Triều Tiên phải nhờ đến một bác sĩ nước ngoài vì họ cần một người không bị cảm xúc chi phối. "Những đồng nghiệp Triều Tiên của tôi rất bối rối khi đưa ra quyết định điều trị cho lãnh đạo của họ", ông kể. Ông cũng nói rằng chủ tịch Kim là người yêu nước Pháp.
"Ông Kim muốn tạo mối quan hệ chính trị với Pháp. Ông ấy không hề che giấu điều đó", ông Roux kể. "Ông ấy rất hiểu biết về điện ảnh Pháp. Tôi đã rất ngạc nhiên về điều này. Ông ấy cũng biết nhiều về các loại rượu Pháp. Chúng tôi cũng trò chuyện về những điểm khác nhau giữa hai thành phố Bourgogne và Bordeaux".
Ông Roux cho hay chỉ có gia đình mới biết ông Kim bị bệnh, dân chúng Triều Tiên không được biết điều này. Cậu con trai tầm 20 tuổi Kim Jong-un là người thường xuyên đến thăm và ở bên cạnh cha nhưng người thừa kế này chưa bao giờ nói chuyện với ông Roux.
Ông Kim Jong-il vừa trút hơi thở cuối cùng của tuổi 69 hôm qua, khi đang trên một chuyến tàu đi thị sát ngoài Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã tuyên bố tổ chức quốc tang nhà lãnh đạo Kim Jong-il từ 19 đến 29/12 và tang lễ sẽ được tổ chức vào ngày 28/12.