Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại hình ảnh một anh Tây rong ruổi khắp các con đường Sài Gòn phát cơm từ thiện. Đoạn video này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người. Được biết, người đàn ông ngoại quốc tốt bụng này là Percy Smith, một giáo viên quốc tịch Anh hiện đang sống tại quận 3, TP.HCM. Cách đây không lâu, anh cũng nhận được sự chú ý khi kêu gọi các bạn trẻ tham gia hoạt động từ thiện cùng mình trên mạng xã hội.
Xem Video: Bếp cơm ngày nấu 100kg gạo tặng bệnh nhân, người nghèo mùa dịch
Lúc đầu, nhiều người ngạc nhiên khi thấy anh đi phát cơm. Ảnh: Zing
Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, anh cùng nhóm bạn người ngoại quốc chạy xe máy khắp Sài Gòn để trao tận tay những phần cơm miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn anh gặp trên đường phố. Mỗi tuần, anh dành 3 – 4 ngày để làm công việc ý nghĩa này. Buổi sáng, anh hỗ trợ các thành viên trong nhóm chia thức ăn thành từng phần. Đến khoảng 10g30 sáng thì bắt đầu mang cơm đi phát.
Lúc đầu, những người nhận cơm từ anh rất ngạc nhiên khi thấy một người nước ngoài làm việc thiện nguyện tại Sài Gòn giữa mùa dịch. Dần dần, họ bắt đầu thoải mái bắt chuyện, hỏi han anh nhiều hơn.
Chia sẻ với Zing, anh cho biết: “Công việc này đem đến cho tôi trải nghiệm rất ý nghĩa. Mùa dịch Covid-19, ai cũng gặp khó khăn. Tôi vui vì giúp đỡ được mọi người nhưng cũng cảm thấy khá buồn khi chứng kiến mọi người phải sống như vậy”.
Mỗi lần anh chở khoảng 50 phần, khi hết lại quay về lấy. Ảnh: Zing
Ngoài nhóm từ thiện của thầy giáo tiếng Anh Percy, Sài Gòn còn rất nhiều nhóm, cá nhân khác tích cực giúp đỡ cộng đồng trong mùa dịch. Trong đó, hot boy ăn chay Lâm Quách là một cái tên tham gia rất tích cực.
Lâm Quách – chàng trai nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ thường xuyên chia sẻ về lối sống tích cực. Đặc biệt, anh chàng cũng được biết đến với biệt danh Sư Tử Ăn Chay bởi anh đã duy trì việc ăn chay hơn mười năm qua.
Lâm Quách luôn lưu ý đến các biện pháp phòng dịch khi đi phát cơm mùa dịch. Ảnh: Vietnamnet
Từ lâu, Lâm Quách đã quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện, từ dọn rác trên bờ biển đến hỗ trợ đồng bào miền Trung trong thiên tai. Theo Dân Trí, anh tham gia phát cơm từ thiện cùng một nhóm ăn chay ở quận 1, quận 3, quận 10,…
Khi giao cơm, anh chàng cùng đồng đội luôn lưu ý đến các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Đối với anh, niềm vui của những người phát cơm mùa dịch là khi nghe những lời khen cơm ngon, nêm nếm hợp khẩu vị. “Chỉ vậy thôi là đã đủ ấm lòng và có thêm động lực chiến đấu đến hết mùa giãn cách. Và cũng chỉ cần vậy thôi, bao nhiêu khó khăn như nắng nóng hay mưa gió đều được xóa sạch hết”, anh chia sẻ.
Nhóm thiện nguyện của Lâm Quách ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ của các bạn trẻ, giúp đỡ của các quán ăn chay nên anh rất mong sớm có thể tăng số phần ăn trao đi mỗi ngày.
Hình ảnh anh chàng cao lớn cúi đầu, đưa cơm cho người lớn bằng hai tay được nhiều người khen ngợi. Ảnh: Vietnamnet
Lâm Quách là một người được biết đến nhờ lối sống lành mạnh, tích cực. Ảnh: Lâm Quách
Theo Tuổi Trẻ, đây là Dự án Bếp yêu thương do anh Trần Tuấn Khởi đứng ra kêu gọi tổ chức. Những người tham gia dự án này phần lớn là những người từng nhận cơm từ thiện, quà hỗ trợ trong các chương trình thiện nguyện khác của anh Khởi.
Chú Đặng Văn Tâm (TP Thủ Đức) từ người nhận cơm trở thành một thành viên của nhóm phát cơm mùa dịch. Chú kể: “Lần trước tôi đi xin cơm ở gần đây, sau khi xin xong thì anh Khởi có hỏi chúng tôi là có thể tham gia tình nguyện viên phát cơm và duy trì hoạt động không. Nay có cơ hội góp sức giúp đỡ vậy là tôi xin tham gia ngay. Ở đây các tình nguyện viên bén duyên với công việc này nhờ đi xin cơm cả đấy”.
Từ người nhận quà từ thiện, những người này trở thành người làm từ thiện. Ảnh: Tuổi Trẻ
Mỗi ngày, nhóm thiện nguyện này phát gần 1.000 phần cơm cho những người lao động ở khu vực TP. Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp. Anh Khởi cho biết, anh sẽ tặng những tình nguyện viên đặc biệt này thực phẩm và những món quà hỗ trợ họ trong mùa dịch.
Những tình nguyện viên trong đội hình này đều không phải là người khá giả. Ảnh: Tuổi Trẻ
Dù cuộc sống giữa mùa dịch khiến ai cũng có khó khăn riêng nhưng vẫn còn nhiều tấm lòng rộng mở, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Những câu chuyện ấm áp mùa dịch chính là nguồn năng lượng để Sài Gòn cùng vượt qua đại dịch. Hy vọng, với sự chung tay của cộng đồng, Sài Gòn sẽ sớm khoẻ lại thôi.