Victoria Vigo không biểu lộ một chút xúc cảm nào khi nhớ lại việc bà đã tình cờ phát hiện mình bị cưỡng bức phẫu thuật triệt sản như thế nào trong thập niên 90. Vào tháng 4/1996, do mang thai khó nên Victoria Vigo tìm đến một bệnh viện công ở thành phố Piura phía bắc Peru để được sinh mổ. Trong ca mổ, đứa bé sơ sinh ốm yếu đã chết và bà Vigo - lúc đó 32 tuổi - được hai bác sĩ bệnh viện chăm sóc.
Vigo kể lại: "Hai bác sĩ cố gắng an ủi và bảo tôi còn trẻ nên sẽ có con nữa. Nhưng sau đó tôi tình cờ nghe lỏm được câu chuyện giữa hai bác sĩ, trong đó một người nói tôi không thể thụ thai được nữa vì ông ta đã triệt sản cho tôi".
Trên thực tế Victoria Vigo không hề yêu cầu được triệt sản. Thậm chí vị bác sĩ liên quan không đưa vụ việc vào bệnh án và cũng không thông tin cho Vigo biết. nạn nhân của vụ triệt sản cưỡng bức cho biết bà cảm thấy bị xúc phạm và đối xử quá tàn nhẫn, trong khi bác sĩ thực hiện triệt sản cố che giấu bằng chứng.
Năm 2003, Victoria Vigo đưa vụ việc ra tòa án và được bồi thường thiệt hại khoảng 3.000 USD. Tại phiên tòa xét xử, vị bác sĩ liên quan tuyên bố ông ta chỉ làm theo mệnh lệnh và việc tiến hành triệt sản cho bệnh nhân - cho dù có hay không có sự đồng thuận của đối tượng - là quy định trong hệ thống bệnh viện Peru.
Sau một thời gian dài im lặng, những vụ việc triệt sản cưỡng bức được lôi ra ánh sáng sau khi Bộ trưởng Tư pháp Peru quyết định mở lại cuộc điều tra. Vụ việc diễn ra dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Alberto Fujimori (1990 - 2000), người hiện đang thụ án 25 năm tù vì tội tham ô và tổ chức những biệt đội tử thần chống lại tổ chức được cho là khủng bố Shining Path.
Cũng nằm trong cuộc tổng điều tra lần này là vụ việc liên quan đến cái chết của Mamerita Mestanza, 33 tuổi, sống trong khu vực Cajamarca thuộc dãy Andes. Mestanza chết năm 1998 vì những biến chứng sau ca phẫu thuật triệt sản cưỡng bức.
Theo điều tra của các tổ chức nhân quyền, số nạn nhân lên đến 300.000 người, trong đó tuyệt đại đa số là phụ nữ nghèo và thường là dân bản địa ở Peru, tức những người nói tiếng Quechua của thổ dân Nam Mỹ. Họ là những người yếu đuối nhất và dễ bị làm hại nhất.
Phụ nữ Peru xuống đường chống Keiko Fujimori ngày 26/5/2011. |
Theo Trung tâm Bảo vệ quyền sinh sản (CRR) ở New York, đất nước Peru của Alberto Fujimori là 1 trong 2 trường hợp trong lịch sử và văn minh nhân loại mà triệt sản cưỡng bức được coi là chính sách nhà nước kể từ sau Đệ tam đế chế Đức Quốc xã. Vụ việc trước đây đã bị xếp xó vào năm 2009 sau khi được cho là nhầm lẫn về quy chế hạn chế sinh đẻ.
Tuy nhiên, các công tố viên nay đã tiến hành tái phân loại những ca triệt sản là tội ác chống loài người, nghĩa là không có giới hạn thời gian cho việc đưa những thủ phạm ra trước tòa án xét xử công khai và minh bạch. Điều đó có thể mở đường cho những phiên tòa cấp cao chống lại cựu Tổng thống Alberto Fujimori cùng với 3 Bộ trưởng Y tế của ông ta là Eduardo Yong Motta, Alejandro Aguinaga và Marino Costa Bauer. Mặc dù họ đã nhận tội trong những vụ xét xử cá nhân, song tất cả 4 người này đều phủ nhận việc họ đã ra lệnh tiến hành triệt sản cưỡng bức trong thập niên 90.
Silvia Romero, nữ luật sư đại diện cho Hiệp hội Phụ nữ bị ảnh hưởng bởi triệt sản cưỡng bức (AWAFS) bao gồm gần 2.000 thành viên chủ yếu từ vùng Cusco ở Peru, lập luận rằng đây đúng là một chính sách nhà nước do giới quyền lực chóp bu đề ra. nạn nhân Victoria mong muốn nhìn thấy những bác sĩ thực hiện triệt sản cưỡng bức phải ngồi trước vành móng ngựa và tin rằng, nếu họ chịu lên tiếng trong thời gian đó thì có lẽ những vụ triệt sản có tính chất phạm tội có hệ thống như thế này sẽ không bao giờ xảy ra.
Cựu Tổng thống Fujimori lần đầu tiên tiết lộ về chính sách cung cấp dịch vụ triệt sản miễn phí cho nam giới và phụ nữ năm 1995, coi đó là cách hiệu quả để giải quyết vấn nạn nghèo đói và đà tăng dân số của Peru. Ban đầu chính sách của Chính phủ Fujimori nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nhiều phía, bao gồm cả Liên Hiệp Quốc với sự cung cấp hỗ trợ về tài chính.
Ngoài ra, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng tài trợ cho chính quyền của Fujimori 35 triệu USD. Nhưng sau đó lan nhanh tin đồn về việc các bác sĩ ở Peru đã có hành vi lừa gạt hay gây sức ép với bệnh nhân để thực hiện nhiều ca triệt sản cưỡng bức.
Các tổ chức nhân quyền thậm chí còn báo cáo những vụ việc được cho là đội ngũ y tế và cả các lực lượng vũ trang của Peru nhận được lệnh tiến hành hàng loạt những ca triệt sản cưỡng bức. Khi vụ bê bối nghiêm trọng bùng phát dữ dội vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền cựu Tổng thống Fujimori, Ủy ban Liên Mỹ về nhân quyền (IACHR) bắt đầu có hành động can thiệp và giám sát vụ hòa giải trong năm 2001 giữa nhà nước Peru và gia đình của bà Memarita Mestanza với khoản tiền bồi thường thiệt hại là 100.000 USD.
IACHR cũng chỉ thị cho chính quyền của Fujimori lôi những thủ phạm ra tòa án xét xử, đồng thời bồi thường thiệt hại cho mọi nạn nhân của chính sách triệt sản cưỡng bức nhưng quyết định này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ trong thời gian đó.
Vấn đề triệt sản sau đó còn tiếp tục là đề tài gây tranh cãi căng thẳng và người ta có thể cho rằng, nó đã tác động mạnh đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống trong năm 2011 dẫn đến sự chống đối Keiko, con gái 36 tuổi của cựu Tổng thống Alberto Fujimori. Bà Keiko đã phải lên tiếng xin lỗi tất cả các nạn nhân đồng thời nhấn mạnh rằng những vụ triệt sản cưỡng bức thật ra là trách nhiệm của những bác sĩ "xấu".
Theo bà Silvia Romero, những vụ triệt sản cưỡng bức hiện vẫn còn được coi là "tội ác bị quên lãng lâu nhất của chính quyền Alberto Fujimori". Bởi vì - không giống như những vụ vi phạm nhân quyền dưới thời chính quyền Fujimori trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Shining Path - những vụ triệt sản cưỡng bức không hề được đưa ra xem xét trước Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Peru